Tại phiên tòa, HĐXX nhận định Nguyễn Thị Kim Hạnh (Mười Tường) là người có nhân thân xấu, trượt dài trên con đường phạm tội. Bị cáo còn chỉ đạo đường dây buôn lậu nhiều đồng phạm hoạt động xuyên suốt trong thời gian dài trên tuyến biên giới.
Bị cáo Hạnh cùng với em trai là Nguyễn Hoàng Út (Út Mạnh) lợi dụng những bị cáo khác là người làm thuê để thực hiện hành vi buôn lậu. Út trực tiếp nhận chỉ đạo hoạt động điều hành từ Hạnh.
Các bị cáo nghe tuyên án. (Ảnh: Kim Hà)
Khi đường dây buôn lậu bị phát hiện Hạnh chỉ đạo các bị cáo khác trốn sang Campuchia, hướng dẫn khai báo gian dối. Hạnh chính là người chủ mưu cầm đầu điều hành toàn bộ hoạt động của đường dây buôn lậu từ Campuchia về Việt Nam, là chủ số đường lậu bị bắt quả tang nên bị cáo phải chịu trách nhiệm chính.
Toà xác định, bị cáo Út được Hạnh chỉ đạo trực tiếp phụ trách quá trình vận chuyển hàng lậu thông qua điều hành chỉ đạo các bị cáo khác. Các bị cáo khác có vai trò giúp sức trực tiếp, biết rõ vận chuyển hàng lậu nhưng vẫn thực hiện.
Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến hoạt động quản lý kinh tế, ảnh hưởng đến chính sách Nhà nước về hoạt động xuất nhập khẩu. Do đó cần phải có hình phạt nghiêm tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo.
Kết thúc phiên toà, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Hạnh 14 năm tù về tội buôn lậu, phạt bổ sung 90 triệu đồng; cùng tội danh trên, bị cáo Út lĩnh 13 năm tù, phạt bổ sung 20 triệu đồng; Trần Công Tới, Võ Minh Phương (Phương Cam), Trần Văn Phương (Phương Đôn), Bùi Văn Miền mỗi bị cáo 8 năm tù, Nguyễn Tường Cẩm Tú 7 năm tù về tội “Buôn lậu”.
Theo cáo trạng, khoảng 9h ngày 23/12/2018, Út Mạnh kêu bị cáo Tới đến chốt Biên phòng xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang để cảnh giới và gọi điện thoại kêu Phương Cam sang Campuchia nhận và giao đường cát lậu, quần áo cũ cho các ghe để chuyển về Việt Nam.
Khoảng 10h cùng ngày, Phương Cam đến Campuchia giao cho ghe của Nguyễn Văn Dũng, Lê Văn Điện, Nguyễn Văn Lình, Trần Văn Tánh. Tổng giá trị hàng hoá là hơn 1 tỷ đồng.
Thấy bộ đội biên phòng đã về hết nên Tới đã điện thoại thông báo cho ghe của Dũng, Điện, Tánh, Lình vượt qua chốt kiểm tra để giao hàng cho Miền đem đi tiêu thụ.
Tuy nhiên, đến khoảng 18h45, các ghe về đến Kênh Ruộc (xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang) thì bị Tổ công tác của Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an phát hiện, yêu cầu dừng các phương tiện lại để kiểm tra; đồng thời tạm giữ phương tiện và số tang vật trên do không có hoá đơn chứng từ...
Kết quả điều tra xác định, từ năm 2010 - 2020, Mười Tường đã trực tiếp mua trên 200.000 tấn đường cát trị giá hơn 2.885 tỷ đồng từ Campuchia mang về Việt Nam bán cho 33 người tại An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, và TP.HCM.