Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bốn nội dung quan trọng được bàn tại kỳ họp bất thường đầu tiên của Quốc hội

(VTC News) -

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa gửi các đại biểu Quốc hội về việc tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khoá XV với nhiều nội dung quan trọng.

Theo chương trình dự kiến, Kỳ họp bất thường thứ Nhất sẽ trình Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 4 nội dung gồm: Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Dự kiến kỳ họp khai mạc vào ngày 4/1/2022 và bế mạc vào chiều 11/1/2022. Quốc hội họp trực tuyến cả kỳ qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc biểu quyết sẽ được thực hiện qua phần mềm cài đặt trên iPad.

Tổng Thư ký Quốc hội cho biết thêm, hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ tài liệu các nội dung kỳ họp để gửi đến các vị đại biểu Quốc hội trước khi khai mạc kỳ họp.

Tại phiên họp thứ 6 (tháng 12/2021), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường của Quốc hội.

Trước đó, phát biểu bế mạc phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, về cơ bản, cả 4 nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất đã được chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng, sẵn sàng cho việc tổ chức kỳ họp.

Cụ thể, đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý chủ trương trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội.

Về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết đầu tư và thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung thuyết minh làm rõ về quy mô đầu tư; sự phù hợp với quy hoạch của các ngành, địa phương có liên quan; tính kết nối của Dự án với các tuyến đường bộ cao tốc, quốc lộ khác và cảng biển, cảng hàng không, các khu công nghiệp, du lịch, trung tâm logistics...

Chính phủ tiếp tục rà soát hướng tuyến, các điều kiện khác, bảo đảm hạn chế tối đa việc sử dụng đất rừng, đất trồng lúa; tính toán kỹ sơ bộ tổng mức đầu tư của từng dự án thành phần và phương án thiết kế sơ bộ bảo đảm phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định pháp luật, tránh ảnh hưởng lớn đến môi trường, hệ sinh thái; bổ sung làm rõ phương án lựa chọn công nghệ chính cho Dự án; giải phóng mặt bằng phải công khai, minh bạch, bảo đảm ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất; làm rõ thời gian hoàn thành Dự án.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố Cần Thơ nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị về phát triển Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp xứng đáng của sự nghiệp phát triển chung của đất nước trong thời gian tới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất hồ sơ dự thảo Nghị quyết đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất và đề nghị Quốc hội cho phép thành phố Cần Thơ được thí điểm áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Về Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đây là nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, cho ý kiến nhiều lần.

Cho ý kiến về nội dung này tại đợt 1 của phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần phải có sự đầu tư công phu hơn nữa nội dung chính sách, xác định mục tiêu, phương hướng, quan điểm, nguyên tắc của việc thiết kế gói chính sách; nhấn mạnh phải dựa trên cơ sở căn cứ khoa học và thực tiễn vững chắc, có nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để thực sự có giải pháp tài chính, tiền tệ tập trung phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, đầu tư kết cấu hạ tầng không chỉ có hạ tầng giao thông, đồng thời làm rõ phân bổ vốn vào đâu, chỉ rõ danh mục đầu tư trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn phục hồi phát triển bền vững gắn với tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn tới. Do đó Chính phủ cần cân nhắc kỹ lưỡng, trách nhiệm các nội dung trình.

Xuân Trường

Tin mới