Hôm 18/11, Cục trưởng cục Hàng không Liên bang Mỹ Stephen Dickson thông qua việc hủy bỏ lệnh cấm bay đối với máy bay Boeing 737 Max. Ông cho biết quyết định này được đưa ra sau quá trình xem xét "toàn diện và bài bản" kéo dài 20 tháng với sự hợp tác của các cơ quan quản lý an toàn hàng không trên toàn thế giới.
Các hãng hàng không Mỹ sẽ đưa máy bay 737 Max vào hoạt động sau khi Boeing cập nhật các phần mềm quan trọng và phi công cầm lái được đào tạo qua các chuyến bay mô phỏng.
Hôm 18/11, cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cho phép máy bay Boeing 737 Max cất cánh. (Ảnh: AP)
Chiếc 737 Max bị các cơ quan quản lý trên toàn thế giới cấm bay từ tháng 3/2019, sau vụ rơi máy bay của hãng hàng không Ethiopian Airlines. Chỉ 5 tháng trước đó, một chiếc 737 Max khác của hãng hàng không Indonesia Lion Air rơi xuống biển Java. Tổng cộng 346 hành khách và thành viên phi hành đoàn trên cả hai máy bay đã thiệt mạng.
Quốc hội Mỹ mở phiên điều trần về các vụ tai nạn, FAA bị chỉ trích vì công tác giám sát lỏng lẻo còn hãng sản xuất máy bay Boeing bị cáo buộc triển khai một hệ thống phần mềm chưa đảm bảo chất lượng nhằm tăng lợi nhuận.
Cục trưởng Dickson cho biết 737 Max hiện là máy bay được kiểm tra kỹ lưỡng nhất trong lịch sử, với hơn 40 nhân viên FAA làm việc hàng tới chục nghìn giờ trên máy bay: “Những thay đổi về thiết kế mà chúng tôi giám sát và thực hiện có thể loại bỏ các khả năng xảy ra tai nạn như vậy một lần nữa”.
737 Max hiện là máy bay được kiểm tra kỹ lưỡng nhất trong lịch sử. (Ảnh: CNN)
Đại dịch COVID-19 gây khó khăn cho Boeing
Việc kinh doanh máy bay Boeing trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gặp nhiều khó khăn. Năm nay, ngành du lịch hàng không ở Mỹ suy giảm tới 65% so với năm 2019. Đại dịch ảnh hưởng lớn tới cả ngành du lịch và nền kinh tế toàn cầu.
Doanh số bán máy bay mới của hãng Boeing sụt giảm nghiêm trọng vì hãng bị mất uy tín sau tai nạn với chiếc 737 Max và vì đại dịch. Việc triển khai một đơn hàng hơn 1.000 máy bay phản lực Max cũng bị hủy bỏ trong năm nay. Mỗi chiếc máy bay có giá niêm yết từ 99 - 135 triệu USD, dù các hãng hàng không thường trả ít hơn con số này.
Trong phiên giao dịch chiều 18/11, cổ phiếu của Boeing giảm 2,1% xuống chỉ còn 205,55 USD. Mức giá cổ phiếu cao nhất hãng này từng đạt được là 440,62 USD vào ngày 1/3/2019, chỉ vài ngày trước khi xảy ra vụ tai nạn ở Ethiopia. Vào đỉnh điểm của đại dịch COVID-19 hồi tháng 3, giá cổ phiếu của Boeing thậm chí chỉ còn 95 USD.
Ông John Hansman, giáo sư hàng không và phi hành gia tại MIT, cho biết mọi người thường tránh đi máy bay trong vài tháng sau khi xảy ra sự cố. Nhưng phản ứng của người dân đối với máy bay Boeing 737 Max lớn tới bất thường, và nguyên nhân của việc này không bắt nguồn từ đại dịch.
Vẫn còn nhiều e ngại xung quanh Boeing 737
Dù giáo sư Hansman lên tiếng đảm bảo độ an toàn của dòng máy bay Boeing, nhưng thân nhân của những người chết trong vụ tai nạn không bị thuyết phục. Họ cáo buộc hãng Boeing che giấu một số thiết kế quan trọng của máy bay với FAA, dẫn đến tai nạn khi bay.
“Các hành khách nên tránh chiếc Max”, ông Michael Stumo, có con gái 24 tuổi thiệt mạng trong vụ tai nạn vì máy bay 737 Max, kêu gọi. "Hãy đổi chuyến bay của bạn. Chiếc máy bay này vẫn còn nguy hiểm hơn những loại máy bay hiện đại khác".
Thân nhân của những người chết trong vụ tai nạn cáo buộc hãng Boeing che giấu một số thiết kế quan trọng của máy bay với FAA. (Ảnh: Boeing)
Đến nay, American Airline là hãng hàng không duy nhất của Mỹ dám đưa 737 Max trở lại lịch trình nay. Chuyến cất cánh trở lại đầu tiên của loại máy bay này là chuyến bay khứ hồi giữa New York và Miami, bắt đầu từ ngày 29/12.
Hãng hàng không United cũng dự kiến đưa loại máy bay này trở lại hoạt động vào đầu năm 2021, trong khi hãng Southwest cho biết các máy bay 737 Max của họ sẽ không cất cánh trước quý 2 năm 2021.
Gần 400 máy bay phản lực Boeing 737 Max từng hoạt động trên toàn thế giới trước khi lệnh cấm bay được áp dụng. Kể từ đó, hãng Boeing vẫn tiếp tục sản xuất và lưu trữ thêm khoảng 450 chiếc nữa. Tất cả số máy bay này đều cần bảo dưỡng trước khi được phép hoạt động trở lại.
Cơ quan quản lý hàng không Châu Âu và cơ quan An toàn Hàng không Liên minh Châu Âu cho biết họ sẽ trưng cầu ý kiến công chúng về việc hủy bỏ lệnh cấm 737 Max, dự kiến kế hoạch sẽ hoàn thành vào đầu năm tới. Một số quốc gia EU cũng sẽ dỡ bỏ các lệnh cấm. Các cơ quan quản lý hàng không tại Canada và Trung Quốc vẫn đang thực hiện kiểm tra, đánh giá đối với loại máy bay này.