Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bộ Y tế: Tỷ lệ tử vong ở TP.HCM có khả năng tăng lên

(VTC News) -

"Tỷ lệ tử vong hiện nay của cả nước là 0,55%, song tại TP.HCM có khả năng tăng lên 0,6%, tỷ lệ này tại Đồng Tháp còn cao".

Đây là thông tin được PGS-TS Nguyễn Trường Sơn nhận định trong Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức hôm qua 16/7.

Theo ông Sơn, hiện nay việc điều trị cho bệnh nhân F0 tại Việt Nam vẫn đang trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, tại một số tỉnh thành như TP.HCM, tỷ lệ F0 theo dõi có triệu chứng trở nặng tăng lên, gần như là một gánh nặng rất lớn cho ngành y tế.

“Tỷ lệ tử vong hiện nay của cả nước là 0,55%, song tại TP.HCM có khả năng tăng lên 0,6%, tỷ lệ này tại Đồng Tháp còn cao. Đặc biệt, một số tỉnh thành như tại Đồng Tháp, tỷ lệ bệnh nhân nặng đòi hỏi hỗ trợ thở oxy, thở máy chức năng cao, ECMO ngày càng tăng. Trong khi nhu cầu cần máy thở tại một số địa phương vượt quá khả năng đáp ứng”, ông Sơn nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thông tin tại Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức hôm qua 16/7.

Cũng tại Hội nghị, báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, trên cơ sở phân tích hơn 9.400 ca COVID-1 trên tổng số hơn 32.000 bệnh nhân đang điều trị trong đợt dịch lần này cho thấy, tỉ lệ bệnh nhân không triệu chứng hoặc có biểu hiện lâm sàng nhẹ vẫn chiếm trên 80%. Trong khi đó, số ca phải thở oxy gọng kính chỉ chiếm 5,3%; thở máy không xâm nhập chiếm 0,17%; thở máy xâm nhập 1,3% và can thiệp ECMO là 0,2%.

“Hiện Việt Nam chỉ có 10 - 20% bệnh nhân từ trung bình diễn biến nặng. Tuy nhiên do số lượng ca mắc mới hàng ngày đông nên con số này tăng nhanh. Vì vậy các cơ sở y tế phải chuyển từ bị động sang chủ động”, ông Khuê nói.

Theo ông Khuê, hiện  Bộ Y tế đang đẩy mạnh năng lực của các bệnh viện vùng. Nguyên tắc điều trị vẫn là 4 tại chỗ, phân tầng điều trị theo diễn biến bệnh để tránh quá tải.

Đối với người bệnh không triệu chứng, mức độ nhẹ sẽ điều trị tại các cơ sở điều trị ban đầu, bệnh viện dã chiến; Mức độ vừa đưa vào quận, huyện hoặc hoặc các khoa truyền nhiễm của bệnh viện tỉnh; Mức nặng, nguy kịch chuyển bệnh viện tỉnh, bệnh viện truyền nhiễm, trung tâm ICU. Còn đối với các ca bệnh quá nặng sẽ chuyển tuyến lên các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện chuyên khoa của Trung ương.

Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng lưu ý các bệnh viện phải chú ý các điều kiện chăm sóc y tế, đặc biệt quan tâm đến tình hình oxy, máy thở... hạn chế thấp nhất bệnh nhân tử vong.

Ngoài ra, tại các cơ sở y tế, tất cả các khu vực điều trị đều cần oxy, kể cả nơi điều trị bệnh nhân nhẹ cũng phải chuẩn bị sẵn oxy phòng trường hợp người bệnh có bệnh nền dễ chuyển nặng.

Theo Bộ Y tế, hiện tổng lượng oxy vẫn đảm bảo nhưng một số nơi phải tăng điều phối, xây dựng lại phương án. Một số địa phương có nguy cơ thiếu oxy nếu dịch xảy ra cục bộ.

Phạm Quý

Tin mới