“Việt Nam hiện không áp dụng truy vết dịch tễ. Cuộc sống cũng đang trở lại bình thường. Vì vậy, thời gian tới, chúng ta sẽ không áp dụng khai báo y tế nội địa. Bộ Y tế đã giao cho Cục Y tế dự phòng xây dựng các hướng dẫn về việc này và đưa ra thông báo cụ thể”, ông Long nói tại hội nghị trực tuyến quán triệt việc 'làm sạch' dữ liệu tiêm chủng COVID-19, sáng 26/4.
Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu việc đưa COVID-19 ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A. Không còn trong nhóm này, COVID-19 sẽ trở thành bệnh lưu hành thông thường, một số biện pháp về phòng, chống dịch bệnh cũng như thông điệp 5K vẫn đang áp dụng hiện nay sẽ được nới lỏng hơn. Tuy nhiên, hiện chưa rõ thời điểm Bộ Y tế sẽ triển khai việc này.
Bộ Y tế và Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến hội nghị trực tuyến quán triệt việc 'làm sạch' dữ liệu tiêm chủng COVID-19 sáng 26/4. (Ảnh: Trần Minh)
Tại hội nghị, thông tin thêm về tình hình tiêm chủng, người đứng đầu ngành y tế cho biết, chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 đến nay cơ bản thành công. Tuy nhiên gần đây tốc độ tiêm chủng còn chậm. Việc tiêm mũi 1 và 2 cho người trên 18 tuổi đạt tỷ lệ 100%, nhưng tiêm mũi 3 cho người trên 18 tuổi rất chậm.
Bên cạnh đó, sau gần nửa tháng triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi, nhưng tốc độ tiêm cho độ tuổi này vẫn còn rất chậm.
Bộ Y tế từng nhiều lần có văn bản đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát và lập danh sách đối tượng từ 12 tuổi trở lên chưa được tiêm chủng, hoặc chưa được tiêm đủ liều cơ bản để khẩn trương tiêm đủ liều vaccine, đảm bảo độ bao phủ vaccine cao.
Trong văn bản, Bộ đề nghị các địa phương cần tăng cường, quyết liệt và "thần tốc" hơn nữa trong triển khai tiêm chủng mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, vận động người dân tham gia tiêm chúng kịp thời và đầy đủ để đạt được hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.
Hôm nay 26/4, ông Long tiếp tục đề nghị các địa phương đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 mũi 3, tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi theo chỉ đạo của Thủ tướng. Các tỉnh, thành phố cũng cần đẩy nhanh hơn trong công tác tiêm chủng cho trẻ độ tuổi 5-11 thời gian tới.
Trước đó, Bộ Y tế đánh giá, hiện dịch bệnh được kiểm soát trên phạm vi cả nước và nhiều diễn biến tích cực khi có xu hướng giảm mạnh ở cả 4 tiêu chí trong 30 ngày qua gồm: Ca cộng đồng cả nước giảm 56,5%, số ca tử vong giảm 60,5%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 44,9% và số ca nặng, nguy kịch giảm 38,6%.
Hiện số ca mắc chỉ còn dưới 15.000 ca mắc mới trong ngày, tương đương thời điểm tuần cuối tháng 11/2021 - lúc biến thể Omicron chưa xâm nhập và lây lan rộng ở nước ta (riêng Hà Nội đang ghi nhận khoảng 1.000 ca mỗi ngày, thấp nhất từ giữa tháng 12/2021). Cả nước, số ca tử vong chỉ còn trên dưới 10 ca tử vong ghi nhận mỗi ngày, thấp nhất từ tháng 7/2021 đến nay.
Tuy nhiên, ngành y tế dự báo thời gian tới dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường trên thế giới, không loại trừ xuất hiện các biến chủng mới lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn. Vì thế, vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch.