Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) nêu vấn đề: Sau đại dịch COVID-19, Quốc hội và Chính phủ rất quan tâm hỗ trợ ngành du lịch sớm phục hồi và phát triển bằng chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và đã bố trí ngân sách 300 tỷ đồng cho quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Tuy nhiên, đến nay, số kinh phí này vẫn nằm trong tài khoản tiền gửi ngân hàng, số tiền lãi được dùng chi cho hoạt động thường xuyên và bộ máy hành chính quản lý quỹ. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân cũng như có biện pháp khắc phục tình trạng trên?
Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng). (Ảnh: Quochoi.vn).
Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, 300 tỷ đồng không phải là quỹ để hỗ trợ phát triển du lịch mà theo luật Du lịch thì gọi là vốn điều lệ. Vốn điều lệ thì được áp dụng theo quyết định số 49. Tại khoản 7, điều 9 của quyết định 49 do Thủ tướng ban hành thì vốn điều lệ được bảo tồn, phát triển bằng cách gửi ngân hàng và bảo tồn nguồn vốn đó.
Phần lãi được đưa ra để chi phí cho tổ chức bộ máy. Còn phần kinh phí cho xúc tiến hoạt động du lịch do Chính phủ cấp thông qua tỷ lệ phần trăm trong đóng góp của ngành du lịch qua phí, vé.
Ông Hùng thông tin, khoản tiền 300 tỷ đồng được bố trí cho quỹ hỗ trợ phát triển du lịch theo 2 đợt. Trong đó, 150 tỷ đồng bố trí trong đợt đầu đã được gửi ngân hàng, số tiền lãi chi cho hành chính, bộ máy theo quyết định 49 của Thủ tướng và sự kiểm soát của Kho bạc Nhà nước.
"Chúng tôi đang chỉ đạo củng cố, kiện toàn đội ngũ quỹ. Tiếp tục đề xuất cơ quan có thẩm quyền phối hợp trích lập các quỹ theo quy định vì đây là mô hình mới", ông Hùng nói.
Bộ trưởng giải thích, quỹ hỗ trợ phát triển du lịch hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập. Hai loại hình này rất khó trong hoạt động nên đang vướng.
Tuy vậy, ông Hùng nhấn mạnh, tinh thần sắp tới là quyết liệt hơn, sắp xếp lại bộ máy. "Nếu cần thiết báo cáo đánh giá tác động xem xét sửa đổi Quyết định 49 của Thủ tướng về chức năng, nhiệm vụ của quỹ để đưa quỹ vào hoạt động, phục vụ tốt hơn hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch như trong quy định tại luật du lịch", ông Hùng báo cáo Quốc hội.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn chiều. (Ảnh: Quochoi.vn).
Tham gia tranh luận về quỹ phát triển du lịch, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) cho rằng, nếu giao quỹ này cho Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, rồi Bộ lại gửi tiền vào ngân hàng thì không cần ban quản lý quỹ, rất là lãng phí, "vì như vậy phải chi cho ban quản lý quỹ nữa".
Theo ông Thân, việc quản lý tiền của quỹ này nên giao cho Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch với nguyên tắc không làm thất thoát tiền của Nhà nước. Việc quản lý quỹ này có thể giao cho Văn phòng Bộ.
Về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, quỹ phát triển du lịch được hình thành từ 2021.
“Số tiền 300 tỷ đồng là vốn điều lệ của quỹ, theo quy định không được phép chi cho các hoạt động xúc tiến du lịch mà phải gửi tại Kho bạc Nhà nước. Khoản lãi từ tiền gửi này dành chi cho hoạt động bộ máy.
Còn tiền chi cho hoạt động xúc tiến du lịch được trích từ khoản thu tiền vé tại các khu di tích hằng năm, mức này khoảng 5-10%. Năm nào thu được nhiều thì Bộ Tài chính cấp nhiều, năm nào thu ít thì cấp ít", ông Hùng thông tin.
Tuy vậy, Bộ trưởng Hùng nhìn nhận bộ máy vận hành, điều hành của quỹ này vừa qua chưa ổn, có tiền mà không tiêu được.
“Phần tiền Quỹ phát triển du lịch được chi nhưng không tiêu hết, vẫn nằm trong kho quỹ và không được chuyển nguồn sang năm sau. Đến thời điểm này chưa phát hiện tình trạng tham ô, tham nhũng quỹ. Chúng tôi sẽ chấn chỉnh điều hành, trước mắt tập trung xúc tiến quảng bá du lịch, sản phẩm du lịch để phát huy hiệu quả quỹ", ông Hùng nói.
12 tỉnh, thành phát triển du lịch đêm
Cũng liên quan đến loại hình du lịch, đại biểu Vũ Thị Liên Hương (đoàn Quảng Ngãi) nhìn nhận, du lịch đêm là hướng đi đúng đắn, nhưng hiện đơn điệu, chưa đặc sắc để thu hút du khách. Bà Hương chất vấn quan điểm, giải pháp của bộ trưởng cho vấn đề này?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời, sau khi Thủ tướng phê duyệt đề án kinh tế đêm, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã chọn 12 tỉnh, thành để phát triển một số sản phẩm du lịch đêm.
Các địa phương này phát triển kinh tế, sản phẩm du lịch đêm theo mô hình phát triển các khu phố đi bộ, chợ đêm, tổ hợp giải trí... Nhiều địa phương đã triển khai đề án, tập trung vào du lịch đêm với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tuy nhiên đây là vấn đề “mới và khó”, bởi đây là sản phẩm kinh tế tổng hợp, liên quan nhiều cấp, ngành.
Để giải bài toán này, theo ông Hùng, các địa phương cần giải bài toán quy hoạch, xác định địa điểm phát triển kinh tế đêm; có chính sách, chế độ cho những người tham gia và nghiên cứu phát triển thị trường.