Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bộ trưởng GD&ĐT: Rà soát SGK phải thường xuyên, liên tục, nghiêm túc

Chiều nay (18/11), Bộ GD&ĐT tổ chức họp trực tuyến với 63 sở GD&ĐT về triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Tại hội nghị về triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, theo chỉ đạo của Bộ trưởng, 5 nội dung quan trọng được tập trung trao đổi, thảo luận gồm: triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa lớp 1; triển khai góp ý bản mẫu sách giáo khoa lớp 2, lớp 6; biên soạn, thẩm định phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương; bồi dưỡng tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; công tác truyền thông.

Góp ý chương trình, sách giáo khoa là việc làm thường xuyên

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, năm học 2019-2020 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt với sự ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Đầu năm học 2020-2021 vẫn trong bối cảnh dịch bệnh, cộng thêm mưa lũ khiến giáo dục miền Trung bị thiệt hại nặng nề.

Tuy nhiên, toàn ngành đã nỗ lực và đạt được nhiều kết quả. Trong đó, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1, Bộ GD&ĐT đã thẩm định, phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 để các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn, đưa vào giảng dạy, đánh dấu sự thành công bước đầu của chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa. Việc triển khai đến nay cơ bản đã ổn định.

Với vấn đề liên quan đến bộ sách Cánh Diều, Bộ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các tác giả, nhà xuất bản xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính và hiện đang xin ý kiến để hoàn thiện ngữ liệu thay thế.

Không chỉ bộ sách giáo khoa Cánh Diều, Bộ trưởng yêu cầu phải rà soát các sách giáo khoa, trên cơ sở ý kiến của giáo viên trong quá trình dạy học và từ các nhà xuất bản. Việc rà soát phải thường xuyên, liên tục, thực hiện một cách nghiêm túc, không phải đợi xã hội có ý kiến mới rà soát.

Trước mắt với các bộ sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 đang trong quá trình thẩm định sách giáo khoa, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh khâu lấy ý kiến góp ý rộng rãi, đặc biệt từ giáo viên.

“Không ai sát sao, hiểu rõ về sách giáo khoa hơn các chuyên gia về nội dung này và các thầy cô đang đứng lớp. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, cá nhân tôi đánh giá cao khâu lấy ý kiến rộng rãi, trong đó ý kiến các thầy cô trực tiếp đứng lớp vô cùng quan trọng. Đây đồng thời là dịp để thầy cô tiếp cận sớm với sách giáo khoa mới” – Bộ trưởng cho hay.

Bộ trưởng đề nghị các lãnh đạo sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường tham gia vào việc này và nhấn mạnh đây là trách nhiệm, nhiệm vụ. “Các sở GD&ĐT cần đưa nội dung này trở thành một trong những nhiệm vụ chỉ đạo của Sở.” – Bộ trưởng nói. Bên cạnh đó, các nhà xuất bản đương nhiên cũng phải tham gia vào các khâu để bảo đảm có được các bộ sách giáo khoatốt, giá thành tiết kiệm, phân phối hợp lý.

Bộ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT thông qua các vụ cục chức năng sẽ sát sao từ khâu đầu đến khâu cuối; đồng thời sẽ chỉ đạo, cùng các sở GD&ĐT để nhà trường tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực nghiệm SGK.

Tóm lại, sách giáo khoaphải làm thật chuẩn mực, thật kỹ, thật tinh thì mới ban hành”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cùng với sách giáo khoa, Bộ trưởng lưu ý, chương trình giáo dục phổ thông được thiết kế theo hướng mở. Phát triển chương trình giáo dục phổ thông là hoạt động thường xuyên, bao gồm các khâu đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chương trình trong quá trình thực hiện. Đề nghị lãnh đạo các sở GD&ĐT chỉ các nhà trường, giáo viên trong quá trình tổ chức giảng dạy phát hiện những vấn đề chưa thật phù hợp để Bộ GD&ĐT có căn cứ  xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

Với tài liệu giáo dục địa phương, Bộ trưởng đề nghị giám đốc sở GD&ĐT chỉ đạo hết sức nghiệm túc để bảo đảm chất lượng, từ việc chọn tác giả, hội đồng thẩm định đến các khâu góp ý…; nếu không đạt yêu cầu, Bộ trưởng sẽ không phê duyệt.

Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng nhóm chuyên gia để có thể hỗ trợ địa phương trong thẩm định, giám sát tài liệu giáo dục địa phương.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị.

Cần biến quá trình bồi dưỡng giáo viên thành tự bồi dưỡng

Chuẩn bị đội ngũ, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học được Bộ trưởng nhấn mạnh khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Đặc biệt lưu ý đến đội ngũ, Bộ trưởng nhắc đến nội dung bồi dưỡng phục vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoavà đề nghị số hóa tài liệu cũng như các học liệu kèm theo để từng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục có thể tiếp cận với tài liệu thường xuyên, liên tục; không phải đến kỳ mới bồi dưỡng.

“Phải biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Muốn tự bồi dưỡng được thì tài liệu và hệ thống phục vụ bồi dưỡng phải tốt. Đề nghị các lãnh đạo sở GD&ĐT quan tâm thêm để việc chỉ đạo được thông suốt”, Bộ trưởng cho hay.

Riêng với đội ngũ cán bộ quản lý, đặc biệt là hiệu trưởng, Bộ trưởng cho rằng cần nắm chắc nội dung đổi mới và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn. “Ở đâu mà hiệu trưởng ít quan tâm đến chỉ đạo, không cập nhật được thông tin, ở đó có lúng túng, khó đổi mới. Lãnh đạo phải đi trước, đổi mới quản lý phải đi trước”, Bộ trưởng nói.

Để bảo đảm không bị động về đội ngũ, Bộ trưởng cho rằng cần phát huy tinh thần chủ động của địa phương, phát huy tinh thần chủ động của các sở GD&ĐT trong tham mưu để chuẩn bị đội ngũ đủ và chất lượng.

Bộ trưởng đồng thời đề nghị các sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường khuyến khích thầy cô giáo xây dựng bài giảng điện tử, đặc biệt nội dung khó ở lớp 1, từ đó phát triển kho học liệu số, góp phần chia sẻ kinh nghiệm đến các đồng nghiệp.

Hội nghị thực hiện trực tuyến.

Cần quan tâm đến ổn định dạy học vùng bão lũ

Bên cạnh việc chuẩn bị tốt cho triển khai chương trình, sách giáo khoamới, Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương đặc biệt quan tâm tới việc sớm ổn định các hoạt động dạy và học cho học sinh vùng bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, có giải pháp hỗ trợ tâm lý cho học sinh và giáo viên.

Các sở GD&ĐT rà soát, thống kê tình hình thiệt hại về sách vở, bàn ghế, trường lớp, thiết bị dạy học của các nhà trường, trên cơ sở đó Bộ GD&ĐT sẽ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có phương án hỗ trợ phù hợp.

Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, giám đốc sở GD&ĐT các tỉnh miền Trung chủ động điều chỉnh kế hoạch năm học phù hợp, bảo đảm chất lượng, tránh dồn ép, quá tải với học sinh.

Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn trường học sau bão/lũ, trong đó đặc biệt là việc vệ sinh trường lớp bảo đảm không để dịch bệnh bùng phát. Đồng thời, tuyệt đối không được chủ quan trong phòng, chống dịch COVID-19.

Dự kiến hình thức góp ý bản thảo các bộ sách theo 3 vòng. Vòng 1, chọn mỗi sở GD&ĐT 10 giáo viên có kinh nghiệm/môn/bộ sách giáo khoagóp ý qua mạng (sử dụng tài khoản đăng nhập). Vòng 2, chọn một số giáo viên có kinh nghiệm, nhiệt tình tập trung góp ý trực tiếp. Vòng 3, lấy ý kiến giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong quá trình lựa chọn/tập huấn sử dụng sách giáo khoa(kết hợp đăng tải bằng PDF lên mạng cho đông đảo nhân dân góp ý).

Nguồn: Zing News

Tin mới