Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bộ trưởng Công Thương yêu cầu EVN chốt giá điện sạch trước 31/3

(VTC News) -

Bộ trưởng Công Thương vừa ký văn bản yêu cầu EVN phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời, điện gió để thỏa thuận, thống nhất giá điện trước ngày 31/3.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sớm đàm phán, thống nhất giá điện trước ngày 31/3 với các dự án điện mặt trời, điện gió chưa kịp vận hành thương mại, để sớm đưa vào khai thác.

Công ty mua bán điện thuộc EVN (EPTC) cho hay, dù đã gửi văn bản cho 85 nhà đầu tư đề nghị gửi hồ sơ tài liệu xác định điều kiện nhà máy điện gió mặt trời là nhà máy chuyển tiếp và hồ sơ tài liệu liên quan đến các thông số đầu vào để tính toán phương án giá điện của dự án. Nhưng đến sáng 20/3, công ty mới nhận được 1 văn bản chính thức của nhà đầu tư điện gió.

Bộ trưởng Công Thương yêu cầu EVN chốt giá điện sạch trước 31/3. (Ảnh minh họa: Internet)

Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện có 84 dự án năng lượng tái tạo (công suất hơn 4.676 MW) bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch.

Trong đó, 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió, 6 điện mặt trời) với tổng công suất gần 2.091 MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm. Số dự án này không được hưởng giá điện ưu đãi cố định (giá FIT) trong 20 năm theo các quyết định trước đây.

Mới đây, trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương, 36 nhà đầu tư đã phản ánh những điểm còn bất cập tại Thông tư 15 và Quyết định 21 của Bộ Công Thương, như chưa phù hợp thực tiễn về mặt pháp lý, tính toán giá điện, được ban hành vội vàng và không hỏi ý kiến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Theo Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân, khung giá đã có, phương pháp đàm phán đã được đề ra và đang chờ Bộ Công Thương thông qua, trên cơ sở đó đề nghị các chủ đầu tư nhanh chóng nộp hồ sơ cho Công ty mua bán điện.

"Đề nghị chủ đầu tư, EVN, Bộ Công Thương xích lại hợp tác. Trong quá trình làm việc có gì vướng mắc cùng nhau xử lý, vấn đề vượt thẩm quyền báo cáo Bộ Công Thương”, ông Trần Đình Nhân cho hay.

Là một trong 36 nhà đầu tư đã ký tên trong đề nghị mới gửi tới Thủ tướng về khắc phục những bất cập trong cơ chế giá phát điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Tổng Giám đốc T&T Group cho hay, Quyết định 21 của Bộ Công Thương được ban hành có phần vội vàng.

"Các nhà đầu tư bị ảnh hưởng trực tiếp đã không được hỏi ý kiến. Việc tính toán cũng chưa thuê tư vấn độc lập và các tính toán này chưa phù hợp với thực tế và hồ sơ của nhà đầu tư đã gửi EVN", bà Bình nêu quan điểm.

Theo đại diện Công ty Mua - bán điện (EPTC), đơn vị này đã lập 3 tổ rà soát hồ sơ, đàm phán giá điện. Để gỡ khó cho các dự án trong khi Bộ Công Thương chưa có hướng dẫn cách tính giá điện, EVN đề xuất Bộ này phương án tính giá theo chiết khấu dòng tiền.

Theo đó, giá điện sẽ gồm hai thành phần, là giá cố định và giá vận hành, bảo dưỡng (tương tự các nhà máy thuỷ điện). Giá cố định xác định theo phương pháp dòng tiền tương tự phương pháp quy định tại Thông tư 57/2020 với các thông số đầu vào, như tổng mức đầu tư, thông số tài chính theo thực tế vay, giải ngân.

Nguyên tắc xác định giá này, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đảm bảo để các chủ đầu tư trả các khoản chi phí hợp lý toàn bộ vòng đời kinh tế dự án; tỉ suất sinh lời nội tại (IRR) dự án không quá 12% và giá hợp đồng mua bán điện nằm trong khung giá Bộ Công Thương ban hành.

Nguồn:

Tin mới