Đoàn công tác Bộ Công Thương vừa có buổi làm việc, kiểm tra tiến độ thi công xây dựng Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (Thái Thụy, Thái Bình) do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư.
Khẳng định vai trò quan trọng của dự án, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết khi đi vào hoạt động, mỗi năm Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ đóng góp khoảng 1.000 tỷ đồng cho ngân sách và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.
“Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng chậm tiến độ thì thiệt hại của dự án không thể tính được, không chỉ về kinh tế mà còn về mặt chính trị, xã hội”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Để sớm đưa dự án đi vào hoạt động giai đoạn 1 theo đúng kế hoạch, ông Diên yêu cầu PVN khẩn trương đón chuyên gia đến để kiểm tra lại toàn bộ hệ thống thiết bị trước khi vận hành, đảm bảo an toàn trong quá trình hoạt động.
Bên cạnh đó, PVN cần sớm thực hiện, hoàn thiện các hạng mục như hệ thống vận chuyển than và đá vôi, kho than, bãi thải xỉ và hệ thống thải tro xỉ để đảm bảo đồng bộ và sớm đưa nhà máy vào vận hành.
“PVN phải chuẩn bị tốt các điều kiện cho vận hành như nhân lực, nhiên liệu, các thủ tục liên quan… để có thể sẵn sàng vận hành nhà máy sau khi hoàn thành thi công xây dựng dự án”, ông Diên nhấn mạnh.
Báo cáo với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, ông Nguyễn Thành Hưởng, Trưởng Ban quản lý Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, cho biết, hiện tiến độ dự án đạt khoảng 85,8%, trong đó công tác thi công xây dựng, công tác lắp đặt… đã cơ bản hoàn thành.
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn và dịch COVID-19.
Dự kiến nhà máy sẽ phát điện thương mại tổ máy số 1 vào ngày 30/11/2022 và tổ máy 2 vào ngày 31/12/2022. Hiện tại các bên đang cố gắng bám sát vào tiến độ trên để triển khai công việc.
Tuy nhiên dự án đang gặp nhiều khó khăn. Do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 nên các chuyên gia nước ngoài chưa thể sang làm việc. Ngoài ra, dự án cũng gặp trở ngại về quản lý tiến độ, chất lượng thiết bị, chí phí và nguồn lực.
Theo ông Lương Đình Thành, Chủ tịch, kiêm tổng thầu là Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của dự án là chi phí. Các khoản phát sinh gia tăng theo thời gian như lãi vay, nguyên nhiên liệu, tiền điện, phí chạy thử, hỏng hóc thiết bị chưa lường trước.
“Nguồn vốn là khó khăn lớn nhất. Hiện nay, PVN cũng như ban quản lý dự án đang rà soát để tối ưu các hạng mục, giảm giãn một số công việc, tăng cường các dịch vụ hỗ trợ trong ngành, đàm phán với các nhà thầu nước ngoài và xử lý nguồn một số các phát sinh”, ông Thành nói.
Theo Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN Hoàng Quốc Vượng, tiến độ dự án phụ thuộc vào 3 yếu tố là nguồn lực, tình hình dịch COVID-19 và tình trạng thiết bị.
Ông Vượng cho biết tới đây PVN ưu tiên nguồn lực để triển khai các hạng mục chính của dự án, tối ưu hóa các hạng mục phụ trợ hạ tầng cảng dầu, kho than, bãi xỉ, cảnh quan.
PVN cũng sẽ đàm phán chạy thử giảm giá, giảm phạm vi công việc trong nước có thể thực hiện được, huy động tối đa nhân lực trong ngành có kinh nghiệm về công tác vận hành, bảo dưỡng, chạy thử thiết bị để tăng cường cho PVC.
“Nguyên tắc cao nhất để đẩy nhanh tiến độ dự án đó là không để xảy ra hiện tượng tham nhũng, tiêu cực. Áp dụng những giải pháp tốt hơn trong thực hiện dự án. Triển khai tiến độ nhanh hơn, chất lượng bảo đảm, chi phí không đắt hơn…”, ông Vượng nhấn mạnh.
Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 có quy mô công suất 1.200 MW thuộc Trung tâm điện lực Thái Bình. PVC được lựa chọn làm tổng thầu EPC của dự án từng do ông Trịnh Xuân Thanh làm chủ tịch, với giá trị hợp đồng là 918,5 triệu USD và 5.874 tỉ đồng.
Tuy nhiên, sau đó PVN đã phê duyệt tổng mức đầu tư dự án điều chỉnh khoảng 41.799 tỉ đồng.
Theo kế hoạch ban đầu, nhà máy sẽ vận hành tổ máy số 1 vào năm 2017 và tổ máy 2 vào năm 2018. Tuy nhiên đến nay, 2 tổ máy vẫn chưa thể hoàn thành.