Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bộ trưởng Công Thương nêu 3 điều kiện để mở cửa chợ truyền thống TP.HCM

(VTC News) -

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh vào 3 điều kiện để chợ hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Chia sẻ tại cuộc họp trực tuyến bàn về tình hình cung ứng hàng hóa cho các tỉnh phía Nam, với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan ngày 18/7, ông Diên cho biết sau 7 ngày áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, việc cung ứng hàng hóa đã bị đứt gãy, lưu chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, các vùng và ba miền gặp nhiều khó khăn.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Ông Diên cho rằng, nếu chỉ trông chờ vào hệ thống siêu thị sẽ không đảm bảo đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. Từ đó, ông Diên đề xuất mở lại các chợ truyền thống nếu đáp ứng đủ 3 điều kiện.

Cụ thể, chỉ bán hàng hoá thiết yếu bao gồm rau củ quả, hàng hoá tươi sống và thuốc men phục vụ đời sống hàng ngày của người dân; thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch để đảm bảo an toàn như thực hiện 5K, phát phiếu luân phiên, đảm bảo giãn cách giữa các gian hàng...và thực hiện tiêm vaccine cho tiểu thương tại các chợ truyền thống.

“Chúng ta cần có biện pháp mạnh hơn nữa để đảm bảo đời sống cho người dân”, ông Diên nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, Trưởng Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa miền Nam, cũng cho rằng điều kiện tiên quyết đảm bảo cung ứng hàng là phải mở lại các chợ truyền thống. Do đó, khi thực hiện Chỉ thị 16 ở các tỉnh phía Nam, không nên đóng cửa tất cả các chợ truyền thống, chợ đầu mối.

Tại buổi họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh ba khâu thu hoạch, vận chuyển và phân phối phải cùng kích hoạt để thực hiện, cùng ngồi với nhau để xử lý vướng mắc. Khi tình thế khó khăn hơn thì nhà nước phải nắm vai trò điều tiết thị trường, cho lực lượng tham gia vận chuyển, phân phối hàng.

Ngoài ra, ông Hoan đề nghị TP.HCM cần nắm bắt rõ nhu cầu tiêu thụ của địa phương, nghiên cứu mở lại một phần hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu và có thể thành lập các bộ phận thống kê, hàng ngày gửi thông tin về hai Bộ là Công Thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cùng nhau tháo gỡ. 

"Các địa phương cần có trách nhiệm với TP.HCM về việc cung ứng lương thực nhưng TP cũng phải làm rõ nhu cầu của mình, vì có thể doanh nghiệp có nhu cầu cung ứng chưa xác định được nhu cầu của từng địa điểm", ông Hoan nói. 

Theo Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương, hiện TP.HCM đã mở lại các chợ truyền thống nhưng đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng nguồn hàng, dẫn tới giá cả tăng. Nguyên nhân là tại những vùng sản xuất lớn, người dân không được ra đồng thu hoạch vì yêu cầu giãn cách, nên cần phải bảo vệ vùng sản xuất, vùng nguyên liệu.

Cùng quan điểm, ông Trương Văn Ba, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM, cũng cho rằng nếu các ngành không có sự phối hợp để có phương thức điều tiết, vận chuyển, phân phối thì dù có mở lại chợ truyền thống mà hàng hóa không có, tình trạng tăng giá vẫn có thể xảy ra.

Từ đó, ông Ba kiến nghị với Bộ Công Thương làm việc với Bộ Tài chính, kịp thời chỉ đạo cơ quan thuế địa phương phối hợp cùng quản lý thị trường điều tra, xác minh các trường hợp nâng giá bất hợp lý.

Tính đến 17/7, TP.HCM có 237 chợ đầu mối và chợ truyền thống, chịu sức ép của dịch COVID-19, cùng với việc áp dụng chỉ thị 16, TP đã phải tạm dừng hoạt động 191 chợ.

Với khoảng 10 triệu dân, việc tạm đóng nhiều chợ truyền thống đã gây áp lực không nhỏ đến thị trường TP.HCM. Trong thời gian tạm dừng hoạt động để chống dịch vừa qua, để giúp khách hàng yên tâm mua thực phẩm, nhiều tiểu thương buôn bán tại nhiều chợ truyền thống đã treo bảng giá niêm yết. Khách hàng chỉ cần nhìn giá, thuận mua vừa bán, không cần trả treo.  Các mặt hàng tươi sống được bán khá dồi dào, đa dạng tại nhiều chợ truyền thống.

Nhiều chợ cũng đã triển khai hệ thống cho bà con đăng ký giờ đi chợ online. Trước nửa tiếng, ban quản lý chợ sẽ nhắn tin báo cho bà con tới đúng giờ đã đăng ký.

Hòa Bình

Tin mới