Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bộ trưởng Công Thương: Chưa DN nào được cấp phép kinh doanh thuốc lá điện tử

(VTC News) -

Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các biện pháp quản lý thuốc lá điện tử đang tràn lan trên thị trường.

Tại phiên trả lời chất vấn chiều nay 4/6, đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên giải pháp bảo vệ người tiêu dùng trước tình trạng buôn bán, vận chuyển thuốc lá điện tử tràn lan.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Lam (đoàn Bến Tre) nêu thực trạng: Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chưa được thừa nhận ở Việt Nam song được bán tràn lan trên thị trường. Loại thuốc là này gây ảnh hưởng đến sức khỏe đến người dân, đặc biệt là giới trẻ.

Theo bà Lam, các sản phẩm thuốc lá điện tử trên thị trường hiện nay là hàng nhập lậu, chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bà đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương trong quản lý thị trường và cam kết của Bộ trưởng về vấn đề này.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được điều chỉnh bởi Luật phòng chống tác hại của thuốc lá. Trong khi đó, thuốc lá điện tử, nung nóng là loại thuốc lá thế hệ mới, chưa được điều chỉnh trong luật nên thời gian qua có khoảng trống pháp lý lớn.

Bộ Công Thương chưa cấp phép kinh doanh thuốc lá thế hệ mới cho bất kể đơn vị nào. Bộ đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các địa phương đấu tranh, thu giữ nhiều sản phẩm thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ quyết liệt cùng các bộ ngành, do Bộ Y tế chủ trì, để ban hành chính sách rõ ràng hơn trong quản lý thuốc lá điện tử nhằm lấp khoảng trống pháp lý. 

Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp cơ quan chức năng địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; phối hợp chặt chẽ các lực lượng như Ban chỉ đạo 389, lực lượng hải quan, biên phòng, chính quyền các địa phương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện số 47 ngày 13 tháng 05 năm 2024 để quản lý tốt thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang lan tràn trên thị trường. 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn chiều 4/6. (Ảnh: quochoi.vn)

Rất khó quản lý bán hàng trên thương mại điện tử

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu đặt câu hỏi về cách quản lý hoạt động bán hàng trên môi trường thương mại điện tử, những phiên livestream có dấu hiệu bất thường như thu trăm tỷ mỗi ngày hoặc giá rẻ bất ngờ, gây hoang mang trên thị trường về hàng thật, hàng giả.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) nêu quan điểm, cần phải có chế tài xử lý vi phạm trong thương mại điện tử để bảo vệ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc kiểm tra hàng hóa của các doanh nghiệp kinh doanh trên môi trường này cũng cần sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu rõ những giải pháp khắc phục triệt để.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) cũng cho rằng, quản lý các sàn thương mại điện tử thì rất dễ vì đã có định danh. Nhưng các cá nhân bán hàng mới là vấn đề đáng lo.

"Họ livestream bán hàng doanh thu cả trăm tỷ đồng mỗi ngày là vấn đề rất lớn. Với livestream vừa rồi bộ có biết không, nhận định đó là thật hay ảo, bảo vệ quyền lợi thế nào, có kinh nghiệm quốc tế gì và bộ đã tham khảo chưa?", ông Nghĩa hỏi.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên). (Ảnh: quochoi.vn)

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời: Việc quản lý hoạt động livestream bán hàng trên thương mại điện tử rất khó khăn, không chỉ trách nhiệm của ngành công thương mà rất nhiều ngành như công nghệ thông tin, tài chính.

Giải pháp tốt nhất là Bộ sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan để kiểm tra, kiểm soát và xử lý; sử dụng lực lương quản lý thị trường để phát hiện những hành vi sai phạm, nhất là tìm các địa điểm mà đối tượng tập kết hàng hóa, thường xuyên giao dịch.

Đồng thời, tiếp tục rà soát cơ chế chính sách, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật; đảm bảo hoàn thiện, nâng cao vai trò quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương trong việc xem xét, xử lý xung đột về lợi ích ban đầu xảy ra trong các trường hợp này.

Đối với các trường hợp có căn cứ là vi phạm, Bộ sẽ hoàn tất hồ sơ chuyển hồ sơ tới các cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, cần làm tốt công tác truyền thông để người tiêu dùng nhận thức và tránh được những hiện tượng này.

Đề xuất bỏ quy định miễn thuế với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, hoạt động thương mại điện tử đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn.

Đó là người tiêu dùng phải đối mặt với mất an toàn dữ liệu cá nhân; hàng giả, hàng kém chất lượng, tính an toàn thấp chưa được kiểm soát chặt chẽ đã và đang bao vây, sẵn sàng đổ bộ vào nước ta, ảnh hưởng tới cả doanh nghiệp sản xuất cũng như người tiêu dùng; thách thức thứ ba là thất thu thuế. 

Theo Bộ trưởng, tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân, mua bán, chiếm đoạt dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng tuy không phổ biến nhưng thời gian qua Bộ Công Thương đã nhận diện rõ vấn đề này.

Bộ đã nghiên cứu tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và Nghị định 55 hướng dẫn thi hành luật, trong đó có bổ sung nhiệm vụ tổ chức và cá nhân trong việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, như phải xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin, bảo đảm an toàn, an ninh của người tiêu dùng.

Ngày 1/7, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực, hy vọng sẽ góp phần khắc phục tình trạng trên.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Công an xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm các quy định của pháp luật toàn diện các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thương mại điện tử; Yêu cầu các tổ chức cá nhân kinh doanh xây dựng quy tắc bảo mật thông tin; Yêu cầu sản giao dịch điện tử công khai chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng.

Toàn cảnh phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên. (Ảnh: quochoi.vn)

Về giải pháp chống hàng giả, Bộ thường xuyên khuyến nghị đến người sản xuất trong nước chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhất là trên môi trường thương mại điện tử.

Bộ Công Thương cũng trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và nghị định hướng dẫn triển khai đề án chống hàng giả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử, và triển khai cơ chế trực tuyến 24/7 để tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng cả nước.

Riêng trong năm 2023, đã tiếp nhận và gỡ bỏ hơn 18.000 sản phẩm và chặn hơn 5.000 gian hàng vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng qua thương mại điện tử.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ động phối hợp các bộ ngành chức năng tham mưu Chính phủ xem xét ban hành nghị định về quản lý hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử. Theo đó, tách bạch giữa luồng hóa thông thường với hàng hóa thương mại điện tử để tăng cường quản lý người bán nước ngoài qua kênh này.

Đối với giải pháp chống thất thu thuế, theo thống kê, nộp thuế trong lĩnh vực này của năm 2003 tăng trên 16% so với năm 2022. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận còn thất thu thuế trong lĩnh vực này.

Bộ Công Thương tích cực phối hợp với ngành thuế và Bộ Tài chính chia sẻ dữ liệu của hơn 900 website và gần 300 ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử để thực hiện rà soát và tăng cường quản lý thuế trong thương mại điện tử.

Theo thống kê, hiện nay 4 sàn thương mại điện tử lớn nhập khẩu khoảng 1 tỷ USD hàng hóa mỗi năm. Do đó, Bộ đề xuất bỏ quy định miễn thuế nhập khẩu và thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ để tránh thất thu thuế.

Đồng thời, tránh tình trạng nhập khẩu qua thương mại điện tử cạnh tranh với hàng trong nước mà không bị áp thuế.

Xây dựng cơ chế hỗ trợ logistics cho doanh nghiệp

Theo đại biểu Dương Khắc Mai (Đăk Nông), dịch vụ logistics và năng lực vận tải trong nước còn hạn chế, nên cước tăng cao làm giá hàng hóa tăng, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa Việt Nam. Ông đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp khắc phục.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết thời gian tới sẽ đề xuất Chính phủ có cơ chế ưu đãi về thuế, kho bãi cho doanh nghiệp, trung tâm logistics ở khu vực biên giới. Địa phương cần dành quỹ đất hợp lý để cho doanh nghiệp xây dựng kho ngoại quan cũng như hạ tầng logistics để đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu.

Bộ cũng sẽ xây dựng cơ chế cho doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng xây dựng thương hiệu đạt tiêu chuẩn của các thị trường nhập khẩu.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đăk Nông). (Ảnh: quochoi.vn)

Khai thác hiệu quả FTA: Vấn đề quan trọng nhất là con người

Trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến khai thác hiệu quả hiệp định thương mại tự do (FTA), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, vấn đề quan trọng vẫn là con người.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị mỗi ngành, mỗi địa phương có kế hoạch, chiến lược tuyển dụng, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ về kỹ năng đàm phán và hiểu được các quy định của pháp luật nói chung, nhất là pháp luật quốc tế, cũng như các FTA.

Đến nay, Việt Nam có 16 hiệp định thương mại tự do đã được đưa vào thực thi với hơn 60 đối tác, hầu hết là những nền kinh tế lớn phủ rộng khắp các châu lục, chiếm gần 90% GDP toàn cầu, đưa nước ta trở thành một trong 20 quốc gia dẫn đầu thế giới về quy mô thương mại quốc tế với tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và liên tục đạt kỷ lục về xuất siêu.

Để đạt được kết quả đó, ngành Công Thương đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các cam kết quốc tế trong các FTA và Việt Nam là thành viên; đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ các doanh nghiệp, người sản xuất tập trung khai thác các thị trường trọng điểm nhiều tiềm năng.

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa và phát huy vai trò của các công cụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường, các quy định, chính sách mới của nước sở tại giúp doanh nghiệp, người sản xuất và cơ quan quản lý Nhà nước có những phản ứng chính sách phù hợp. 

Việc khai thác hiệu quả FTA thời gian qua đã giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa nước ta tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta vẫn phụ thuộc nhiều vào một số thị trường lớn. Tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp nước ta còn thấp so với các doanh nghiệp nước ngoài. Đây là những vấn đề mà Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương cần quan tâm, tập trung khắc phục.

Liên tục thiếu lãnh đạo, Bộ Công Thương vẫn vượt qua khó khăn

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, thời gian qua, Bộ Công Thương liên tục thiếu lãnh đạo Bộ và nhân lực có kinh nghiệm của ngành, song ngành Công Thương đã vượt qua khó khăn, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt công tác, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Bộ trưởng Công Thương: "Thời gian qua, Bộ Công Thương liên tục thiếu lãnh đạo". (Ảnh: quochoi.vn)

Nổi bật là sản xuất công nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn sau đại dịch, từng bước phục hồi, phát triển, có sự bứt phá từ quý 3 năm trước đến nay, duy trì vai trò động lực tăng trưởng của nền kinh tế đất nước. 

Thương mại trong nước tăng trưởng khá mạnh, vượt mục tiêu đề ra và là trụ đỡ cho nền kinh tế trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn, thách thức. Hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, xuất nhập khẩu tám năm liền đạt được kỷ lục mới về kim ngạch và thặng dư thương mại...

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử vẫn còn các tồn tại, hạn chế và thách thức rất lớn.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp hữu hiệu nhằm tăng cường quản lý, giám sát các hoạt động thương mại điện tử, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng.

Video: Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời về việc quản lý thuốc lá điện tử 

Thành Lâm

Tin mới