Sáng 25/11, tại thành phố Nha Trang, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Diễn đàn trực tuyến Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam.
Theo Báo cáo của Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), Việt Nam có trên 1 triệu km2 diện tích vùng biển đặc quyền kinh tế, trong khi đó diện tích nuôi biển mới chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước. Năm 2022, diện tích nuôi biển của nước ta đạt hơn 256.000 ha, sản lượng đạt gần 750.000 tấn; năm 2023, sản lượng có thể đạt gần 800.000 tấn.
Diễn đàn Nuôi biển được tổ chức tại Khánh Hòa.
Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng và Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để thúc đẩy nuôi biển phát triển. Nhờ vậy, một số bộ phận hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam, như hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung; công nghiệp phụ trợ (thức ăn, thiết bị nuôi); công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ.
Tại diễn đàn, các đại biểu, đại diện hộ nuôi trồng hải sản, HTX, doanh nghiệp chia sẻ không ít khó khăn, thách thức trong phát triển nuôi biển; tập trung vào một số vấn đề như tâm lý người nuôi trồng thủy sản vẫn còn e ngại các thủ tục hành chính về môi trường, giao khu vực biển hiện còn khá phức tạp.
Trong khi quy hoạch và thực hiện quy hoạch còn chậm, hoạt động nuôi tự phát, phá vỡ quy hoạch còn phổ biến dẫn đến ô nhiễm môi trường, khó tiêu thụ sản phẩm…
Đặc biệt từ tháng 8 đến nay, Trung Quốc đưa ra quy định mới khiến việc xuất khẩu bị ách tắc. Theo đó, Trung Quốc yêu cầu tôm hùm bông phải có chứng minh quá trình nuôi rõ ràng; không sử dụng nguồn giống khai thác từ tự nhiên (con giống phải là thế́ hệ F2).
Ông Lê Bền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho rằng, từ câu chuyện ách tôm hùm bông xuất khẩu có thể thấy rằng, yêu cầu của thị trường thế giới ngày càng cao. Hàng hóa không chỉ phải đáp ứng được các đòi hỏi của khách hàng về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ mà một số thị trường đang hướng tới yêu cầu kê khai phát thải, những sản phẩm phát phải lượng khí thải nhà kính lớn sẽ bị đánh thuế rất cao.
Ông Bền nhấn mạnh, nếu các doanh nghiệp không chuẩn bị từ bây giờ chắc chắn chúng ta sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi.
Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, để giải bài toán phát triển vùng nguyên liệu nuôi biển bền vững, doanh nghiệp cần xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ với các HTX sản xuất theo hình thức doanh nghiệp lo đầu ra sản phẩm, cơ sở nuôi (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ liên kết…) lo sản xuất nguyên liệu. Cả hai bên cùng phải đồng hành, kiểm soát lẫn nhau để đảm bảo được số lượng, chất lượng sản phẩm và thông tin truy xuất.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị cần tổ chức thực hiện, hướng dẫn và kiểm tra, giám sát các địa phương thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng giao tại Quyết định 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 về phê duyệt đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Diễn đàn.
Về tháo gỡ khó khăn cho thị trường tôm hùm, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong thời gian chờ phía Trung Quốc cung cấp thông tin, biểu mẫu đăng ký mới, Cục Thủy sản phối hợp các địa phương tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi giá trị tôm hùm thực hiện nghiêm quy định của Luật Thuỷ sản năm 2017.
Cụ thể là điều kiện về nuôi trồng thuỷ sản; xác nhận đăng ký nuôi lồng bè; cấp phép nuôi trồng thuỷ sản trên biển; xác nhận nguồn gốc loài thủy sản thuộc phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có nguồn gốc từ nuôi trồng đối với tôm hùm bông nuôi.
Sau khi phía Trung Quốc cung cấp đủ thông tin và biểu mẫu đăng ký mới, tổ chức thực hiện rà soát, thẩm tra và hoàn thiện danh sách các cơ sở cơ sở nuôi tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc đáp ứng các quy định của Việt Nam và Trung Quốc chuyển Cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường để gửi cho phía Trung Quốc.