Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bộ GTVT sửa quy định ngăn xe chở cuộn thép, ống bê tông chằng buộc cẩu thả

(VTC News) -

Việc sửa đổi quy định với hàng hóa là cuộn thép, ống bê tông nhằm đảm bảo an toàn giao thông, tạo cơ sở cho lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.

Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Thông tư quy định về xếp hàng hóa trên xe ô tô khi tham gia giao thông trên đường bộ.

Về sự cần thiết phải ban hành thông tư, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, hiện quy định về xếp hàng hóa trên xe ô tô khi tham gia giao thông trên đường bộ được thực hiện theo Thông tư số 35/2013.

Tuy nhiên, thời gian qua, một số phương tiện vận chuyển cuộn thép, ống cống, cọc bê tông cốt thép, cọc thép… xảy ra tình trạng đứt dây chằng hoặc không chèn chắc chắn để rơi xuống đường gây mất an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông.

Nhiều trường hợp, các cọc ống bê tông cốt thép hoặc cọc thép dài xếp trên thùng xe, khi xe phanh gấp dẫn đến bị xô về phía trước, hất đổ cabin gây nguy hiểm cho tài xế.

Gần chục ống bê tông chất thành 2 tầng trên xe tải cỡ lớn nhưng không được chằng buộc cẩn thận. (Ảnh: Văn Chương).

Cục Đường bộ Việt Nam cũng điểm lại một số vụ tai nạn điển hình như ngày 13/3/2023 khi một xe container chở theo ba cuộn thép trên tỉnh lộ 419 thị trấn Liên Quan (huyện Thạch Thất, Hà Nội) bất ngờ bị đứt cáp. Một cuộn thép rơi xuống, lăn trúng chiếc ô tô 5 chỗ đang đỗ trên vỉa hè. Vụ việc khiến ô tô con bị đè nát, ùn tắc giao thông kéo dài.

Hay vào cuối tháng 11/2022, xe đầu kéo biển kiểm soát 50LD-197.01 kéo theo rơ-moóc chở 2 cuộn thép, chạy trên Quốc lộ 1 đến khu vực cầu Bình Điền, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh (TP.HCM), tài xế phanh gấp khiến dây xích chằng 2 cuộn thép trên xe bị đứt, làm 2 cuộn thép nặng hàng chục tấn văng khỏi rơ mooc.

Theo Cục Đường bộ Việt Nam, nguyên nhân xảy ra những vụ tại nạn này chủ yếu do đơn vị vận tải, lái xe chưa thực hiện nghiêm các quy định về xếp hàng hoá trên phương tiện, việc xếp, chèn lót hàng trên xe chưa đảm bảo an toàn, dây sử dụng để chằng buộc không đủ lực để giữ cố định hàng hoá dẫn đến khi xảy ra sự cố hoặc xe phanh gấp làm đứt cáp khiến hàng hóa rơi xuống đường.

"Sửa đổi, bổ sung một số quy định đối với hàng hoá là thép cuộn, thép ống, cuộn giấy có trọng lượng lớn để đảm bảo chống dịch chuyển theo các phương bằng bệ đỡ, giá đỡ, thanh chèn, chốt hãm, dây chằng (vật liệu, kích thước...) hoặc bằng khung giá chuyên dụng (vật liệu, kết cấu...) nhằm bảo đảm an toàn giao thông, tạo cơ sở cho các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý", Cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh.

Dự thảo thông tư nêu cụ thể quy định về việc sắp xếp từng loại hàng hoá: hàng rời, hàng bao kiện, hàng dạng trụ.

Theo đó, khi vận chuyển hàng rời, đơn vị vận tải và lái xe phải sử dụng xe ô tô tải/rơ-moóc/sơmi rơ-moóc có thùng.

Trường hợp vận chuyển hàng rời trên phương tiện không có thùng kín, đơn vị vận tải và lái xe phải sử dụng thiết bị, dụng cụ để đóng gói hoặc che kín hàng hóa, đảm bảo hàng hóa không bị rơi vãi trong quá trình vận chuyển.

Trường hợp vận chuyển hàng rời, vật liệu xây dựng, phế thải trên phương tiện có thùng kín, đơn vị vận tải và lái xe phải che đậy kín, không để rơi vãi xuống đường hoặc gây ra tiếng ồn, bụi bẩn trong suốt quá trình vận chuyển trên đường và chiều cao tối đa của hàng phải thấp hơn mép trên thành thùng xe.

Đối với xếp hàng bao kiện, dự thảo quy định các kiện hàng có khối lượng nặng hơn, có bao gói cứng, ổn định được xếp ở phía dưới. Các kiện hàng có kích thước giống nhau sắp xếp cùng nhau. Các kiện hàng có xu hướng nghiêng một góc nhỏ xếp vào giữa đống hàng.

"Trường hợp giữa các kiện hàng có khoảng cách, phải dùng các thiết bị, dụng cụ chèn, lót để chống va chạm, xê dịch trong quá trình vận chuyển. Trường hợp sau khi xếp hàng xong mà vẫn có khoảng trống trong thùng xe thì phải gia cố để cố định hàng hóa", dự thảo nêu rõ.

Với hàng dạng trụ ống, dự thảo yêu cầu loại hàng hoá này phải được xếp nằm ngang hoặc nằm dọc theo chiều dài xe tùy thuộc vào chiều dài của hàng so với thùng xe. Khi đặt nằm ngang phải đặt vuông góc với chiều dài xe. Khi chiều cao của ống trụ nhỏ hơn đường kính, ống trụ phải được đặt thẳng đứng hoặc thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Bộ Giao thông vận tải cũng quy định, các loại hàng trụ ống phải được chằng buộc chắc chắn vào thành xe và sử dụng giá kê, giá đỡ, dụng cụ chèn, lót để cố định tránh dịch chuyển hàng hóa trong quá trình vận chuyển. Trường hợp hàng trụ ống có bề mặt trơn nhẵn, khi xếp chồng lên nhau phải sử dụng vật liệu đệm lót giữa các lớp hàng để chống trơn trượt.

Đáng chú ý, dự thảo Thông tư quy định về xếp hàng hóa trên xe ô tô khi tham gia giao thông trên đường bộ dành 1 chương để quy định xếp hàng vào container và xếp container trên phương tiện.

Theo đó, container phải phù hợp với loại hàng hóa và đặc tính của hàng hóa để xếp hàng; chèn, lót để hàng hóa trong container không bị xê dịch trong quá trình vận chuyển; khối lượng sử dụng lớn nhất của container và hàng hóa trong đó thực hiện theo quy định tại tiêu chuẩn ISO 668 về phân loại, kích thước và khối lượng danh định;

"Khi vận chuyển container phải sử dụng tổ hợp xe đầu kéo với sơ mi rơ moóc hoặc xe ô tô tải vận chuyển container phù hợp với loại container. Sử dụng các thiết bị để định vị container với phương tiện, đảm bảo container không bị xê dịch trong quá trình vận chuyển", dự thảo nêu.

Anh Văn

Tin mới