Bộ GTVT đang lấy ý kiến lần hai Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi. Đáng chú ý, dự thảo lần này bỏ quy định bật đèn nhận diện cả ngày từng khiến dư luận bàn tán xôn xao.
Cụ thể, theo quy định, tại Điều 27 về Quy tắc sử dụng đèn của phương tiện tham gia giao thông có nêu: “Phương tiện tham gia giao thông vào ban đêm (từ 19h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau), hoặc khi trời tối hoặc khi có sương mù, thời tiết xấu bị hạn chế tầm nhìn phải bật sáng đèn".
Các loại đèn được đề xuất bật gồm: Đèn chiếu xa hoặc đèn chiếu gần, đèn sương mù (đối với xe có trang bị đèn sương mù theo thiết kế của nhà sản xuất), đèn chiếu hậu và đèn tín hiệu nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất.
Khi đèn nhận diện được bật. (Ảnh: Mạnh Đoàn)
Các phương tiện cũng được yêu cầu phải tắt đèn chiếu xa và bật đèn chiếu gần trong trường hợp khi đi qua khu vực dân cư có bố trí hệ thống chiếu sáng đang hoạt động, hoặc chuẩn bị vượt xe phía trước, để không chói mắt người lái xe theo chiều ngược lại.
Hiện nay, Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 100/2019, người lái xe ô tô; xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện; máy kéo, xe máy chuyên dùng…) bắt buộc phải sử dụng đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19h hôm trước đến 5h sáng hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn. Nếu vi phạm quy định này sẽ bị xử phạt hành chính 100-200 nghìn đồng.
Như vậy, có thể thấy rằng đề xuất bật đèn nêu trong Dự thảo sửa đổi Luật giao thông đường bộ lần này có sự tương đồng với luật hiện hành.
Trước đó, trong Dự thảo sửa đổi Luật giao thông đường bộ lần 1, tại khoản 3, Điều 27 đề xuất: "Trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau".
Đề xuất bật đèn nhận diện suốt cả ngày ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ người dân và các chuyên gia.
Trả lời VTC News, ông Hoàng Thế Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ an toàn giao thông (Bộ GTVT) giải thích, trong luật Công ước Viên 1968 có quy định phải bật đèn nhận diện suốt cả ngày đã được thông qua bởi hội đồng và được nhiều nước áp dụng.
Năm 2014, khi Việt Nam tham gia luật Công ước Viên 1968, quy định bật đèn nhận diện vào ban ngày chưa được đưa vào Luật Giao thông đường bộ bởi khi đó ta chưa sửa đổi luật.
Theo ông Tùng, nếu nước ta không tiếp thu quy định bật đèn nhận diện suốt cả ngày của Công ước Viên thì sẽ phải báo cáo, giải thích với Hội đồng Công ước Viên để có biện pháp bảo lưu.