Dự luật phải sử dụng đèn nhận diện suốt cả ngày đối với xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện của Bộ Giao thông Vận tải đang gây nhiều tranh cãi, trong đó nhiều người cho rằng điều này không cần thiết.
Trả lời VTC News, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, ông tán thành đề xuất bật đèn nhận diện cả ngày.
Ông Nhưỡng chia sẻ, hơn 20 năm nay, ông đều áp dụng việc này khi tham gia giao thông.
"Vào năm 1999, tôi đến Thụy Điển và Đan Mạch, khi đó tôi thấy các nước này đã áp dụng việc bật đèn trên các phương tiện tham gia giao thông, kể cả lúc trời âm u hay trời nắng. Tôi thấy việc này rất hay, vì vậy, khi trở về nước, tôi lái ô tô hoặc xe máy đi đâu cũng toàn bật đèn", ông Nhưỡng cho hay.
Bên cạnh đó, theo ông Nhưỡng, những quốc gia ở Đông Nam Á cũng có nhiều nước thực hiện việc bật đèn nhận diện vào ban ngày.
Ví dụ như nước Malaysia, quốc gia có điều kiện khí hậu tương đồng với chúng ta nhưng người dân khi đi đường đều bật đèn cả ngày lẫn đêm.
Đèn nhận diện được bật vào ban ngày.
Theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, việc bật đèn khi tham gia giao thông vào ban ngày giúp tăng sự nhạy cảm so với việc không bật. Từ đó giảm được tai nạn giao thông đối với người lái xe.
"Nhiều người hỏi tôi tại sao khi đi xe tôi toàn bật đèn cả đêm lẫn ngày, tôi vui vẻ trả lời họ rằng việc này giúp cho mọi người tránh được tôi, chứ tôi làm sao tránh được họ", ông Nhưỡng nói.
Tuy nhiên, ông Nhưỡng cho rằng, cũng nên nghiên cứu việc bật đèn như nào để không ảnh hưởng đến người khác.
Ví dụ như trong khu phố, người dân không cần nhất thiết phải bật đèn, còn ở ngoài phố hay đi đường 2 chiều thì bật đèn sẽ tốt hơn nhiều.
Theo Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc bật đèn khi đi trên đường cao tốc đối với lái xe ô tô cũng rất có ưu điểm, bởi khi nhìn vào gương chiếu hậu thì người lái có thể quan sát để chuyển làn đường hay xử lý tình huống được an toàn.
ĐBQH cũng nhấn mạnh về chế tài xử phạt cần nghiên cứu chặt chẽ, trước khi được áp dụng thì nên tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về luật.
"Trong giai đoạn đầu, mình có thể khuyến khích mọi người sử dụng việc bật đèn vào ban ngày để họ trải nghiệm. Sau đó, dần dần mới đến quy định xử phạt, bởi đèn ở đằng trước, nhiều khi lái xe quên", ông Nhưỡng chia sẻ.
Liên quan đến nhiều ý kiến cho rằng việc bật đèn sẽ sinh thêm nhiệt, ô nhiễm môi trường, gây khó chịu cho người tham gia giao thông, ông Nhưỡng cho rằng đèn nhận diện hay còn gọi đèn led tiêu thụ nhiệt lượng không đáng kể, không làm nhiệt độ môi trường tăng lên nhiều.
Trong khi đó, ông Hoàng Thế Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) cho biết, việc bật đèn nhận diện hoặc đèn cost có trong luật Công ước Viên 1968 và năm 2014. Nước ta tham gia vào công ước này, vì thế chúng ta phải nội luật hóa các quy định của công ước vào luật giao thông đường bộ.
"Quy định này sẽ được lấy ý kiến người dân khoảng đến hết tháng 5, rồi được tổng hợp lại, sau đó trình Chính phủ, Quốc hội thông qua”, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông chia sẻ.
Theo ông Tùng, nếu nước ta không tiếp thu quy định bật đèn nhận diện suốt cả ngày của Công ước Viên thì sẽ phải báo cáo, giải thích với Hội đồng Công ước Viên để có biện pháp bảo lưu.
Về chế tài xử phạt nếu quy định này được áp dụng, ông Tùng cho biết, khi chúng ta xây dựng luật xong, sau đó căn cứ tính chất nguy hiểm thì mới có chế tài xử phạt và phải sửa đổi, bổ sung vào trong Nghị định 100.
Clip: Người dân nói gì về xuất bật đèn nhận diện vào ban ngày?