Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bộ Công Thương: Không lường được việc 'vỡ' quy hoạch điện mặt trời

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận thời điểm lập quy hoạch năm 2017 không lường trước được sự bùng nổ của năng lượng điện mặt trời.

Tiếp tục phiên chất vấn của Quốc hội khóa XIV chiều nay 6/11, 77 đại biểu đã đăng ký để gửi câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Đại biểu Lê Thu Hà (Đoàn Lào Cai) đặt câu hỏi về vấn đề phát triển điện mặt trời, năng lượng sạch.

"Quy hoạch điện VII có ý nghĩa gì khi quy hoạch năm 2020 là 850 MW và 1200 MW tới 2030 đã bị phá vỡ, công suất hiện tại lên hơn 7.000 MW, gấp 9 lần ban đầu. Hiện 121 dự án được cấp phép và 210 dự án đang chờ phê duyệt", đại biểu Lê Thu Hà đặt vấn đề.

 Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, đã không lường được sự bùng nổ của năng lượng điện mặt trời.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Công Thương thừa nhận khi lập quy hoạch điện VII vào năm 2017 đã "không lường được hết sự phát triển của năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu là điện mặt trời".

Tuy nhiên người đứng đầu Bộ Công Thương bày tỏ sự lạc quan khi cho biết thêm, Quyết định 11 về cơ chế giá ưu đãi cho điện mặt trời là 9,35 cent một kWh trong 20 năm với dự án vận hành trước 30/6/2019 đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư phát triển năng lượng mặt trời ở Việt Nam.

Tuy nhiên, mức giá 9,35 cent một kWh trong 20 năm bị đại biểu Lê Thu Hà tiếp tục chất vấn. Bà Hà đề nghị làm rõ giá thành sản xuất, giá mua và hiệu quả sản xuất khi phát triển nguồn năng lượng này.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, mức giá này trên cơ sở phối hợp với tư vấn quốc tế và thực tiễn Việt Nam. "Khi ban hành Quyết định 11 cũng đối mặt nguy cơ lớn thiếu điện 2019-2020 nên điện mặt trời là nguồn năng lượng bổ sung đáng kể. Và thực tế tới 30/6 - khi Quyết định 11 hết hiệu lực đã có gần 4.900 MW vận hành, góp phần lớn bổ sung vào nguồn điện năm 2019", ông Trần Tuấn Anh nói.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận hạ tầng truyền tải điện, các trạm biến áp tại một số khu vực chưa có sự phát triển đồng bộ. Điều này khiến các dự án điện mặt trời dù đã đi vào vận hành nhưng không thể giải toả hết công suất, ở mức 30-40%.

Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng tiếp tục nêu khó khăn khi Nhà nước còn độc quyền trong truyền tải điện, trong khi nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này chưa đảm bảo.

Về phía Bộ Công Thương, từ cuối năm 2018 Bộ này đề nghị Chính phủ cho phép bổ sung thêm 15 đường dây 110kV, 220 kV... nhưng kế hoạch dự án cũng không triển khai kịp.

Ngày 5/11, trong báo cáo gửi tới Quốc hội trước phiên chất vấn, ông Trần Tuấn Anh cho biết cả nước có nguy cơ sẽ thiếu điện từ năm 2021. 

Việc các dự án nguồn điện triển khai chậm so với quy hoạch Điện VII điều chỉnh được cho là nguyên nhân gây ra vấn đề.

Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, việc đầu tư dàn trải, chưa ưu tiên đúng mức những dự án trọng tâm dẫn đến các yếu tố bất lợi trong quản lý, triển khai các dự án về nguồn điện.

Theo Bộ Công Thương, trong thời gian tới, hầu như chỉ có các dự án do EVN triển khai có thể đáp ứng tiến độ, các chủ đầu tư nguồn điện khác, đặc biệt là các nguồn điện BOT hầu hết đều chậm.

Linh Phi

Tin mới