Bộ Công an mới đây đăng tải dự thảo báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật Cảnh sát cơ động để lấy ý kiến rộng rãi.
Theo Bộ Công an, tình hình chính trị thế giới và khu vực đang diễn ra phức tạp, khó lường, đặc biệt tình hình khủng bố có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng đến lợi ích, an ninh trật tự tại nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam.
Bộ Công an đề xuất xây dựng dựng Luật Cảnh sát cơ động thay thế cho Pháp lệnh Cảnh sát cơ động như hiện nay. (Ảnh minh họa)
Ở trong nước, thế lực thù địch liên tiếp lôi kéo người dân biểu tình trái pháp luật, chống người thi hành công vụ.
Ngoài ra, tội phạm hình sự gia tăng với tính chất nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, nhất là tội phạm ma túy ngày càng manh động, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng chống trả lực lượng thực thi nhiệm vụ…
Từ những cơ sở trên, Bộ Công an cho rằng cần phải xây dựng Luật Cảnh sát cơ động thay thế cho Pháp lệnh Cảnh sát cơ động như hiện nay. Điều này để tạo hành lang pháp lý đồng bộ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức cũng như các yếu tố khác, bảo đảm hoạt động cho cảnh sát cơ động.
Ba nhóm chính sách được Bộ Công an lựa chọn để đánh giá tác động khi đề xuất xây dựng Luật Cảnh sát cơ động.
Thứ nhất, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của cảnh sát cơ động tuân thủ Hiến pháp, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và tình hình thực tế.
Thứ hai, hoàn thiện các quy định về hoạt động của cảnh sát cơ động để đảm bảo phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội.
Thứ ba, hoàn thiện chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động đối với cảnh sát cơ động.
Đi vào cụ thể từng nhóm chính sách, Bộ Công an cho biết cảnh sát cơ động đang nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an.
Thực tế thời gian qua, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã kết luận, chỉ đạo nhiều vấn đề quan trọng đối với việc tăng cường xây dựng cảnh sát cơ động chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; tăng thêm về lực lượng, tổ chức mới như: thành lập Trung đoàn Không quân Công an nhân dân, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh…
Do vậy, việc hoàn thiện tổ chức cảnh sát cơ động đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quá trình xây dựng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cùng với đó, trước sự manh động của tội phạm cũng như tình trạng bạo loạn, chống người thi hành công vụ… hoạt động của cảnh sát cơ động cần cơ sở pháp lý vững chắc, đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế về những vấn đề liên quan tới đảm bảo quyền con người, quyền công dân; trường hợp nào thì được nổ súng, truy đuổi, cưỡng chế...
Ngoài ra, hiện quân số, biên chế của cảnh sát cơ động còn thiếu nhiều so với quy mô cơ cấu xác định; đầu tư trang bị đã được tăng cường, song còn thiếu so với mô hình tổ chức, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ… Vì vậy, cần phải xây dựng chế độ, chính sách của cảnh sát cơ động phù hợp với tình hình thực tế.