Báo cáo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đến sáng 24/2 Việt Nam ghi nhận 2.403 bệnh nhân, trong đó 1.760 bệnh nhân khỏi bệnh. Trong số các bệnh nhân điều trị, 2 bệnh nhân nặng, đặc biệt bệnh nhân cao tuổi BN1536, 79 tuổi, là người nhập cảnh, có nhiều bệnh nền, đang rất nặng, tiên lượng khó qua khỏi.
Các chuyên gia của Hội đồng chuyên môn nhiều lần hội chẩn quốc gia điều trị cho trường hợp này.
Đến nay 10 địa phương của đợt dịch thứ 3 này trải qua nhiều ngày không ghi nhận ca bệnh gồm: Hòa Bình 25 ngày, Điện Biên 20 ngày, Hà Giang 20 ngày, Bình Dương 19 ngày, Hưng Yên 17 ngày, Bắc Giang 15 ngày, Gia Lai 14 ngày, Bắc Ninh 13 ngày, TP.HCM 12 ngày, Hà Nội 9 ngày.
“Như vậy, về cơ bản chúng ta kiểm soát tốt. Các địa phương đều cơ bản triển khai các giải pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng, của Ban Chỉ đạo Quốc gia, của Bộ Y tế”, ông Long nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. (Ảnh: Nguyễn Quang Hiếu)
Đối với chùm ca bệnh tại Hải Phòng, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, nhận định ban đầu liên quan đến Hải Dương. Hải Phòng đã lấy gần 3.000 mẫu, trong đó 358 trường hợp F1 và các trường hợp liên quan. Đến nay tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính.
Đối với tình hình dịch tại Hải Dương, tình hình đang được kiểm soát tốt. Tốc độ lấy mẫu xét nghiệm và truy vết của Hải Dương tăng lên rõ rệt.
Về vấn đề xét nghiệm, theo ông Long, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế không có chủ trương cho xét nghiệm tự nguyện, để tránh gây lãng phí và tốn kém. Chính vì vậy, Bộ Y tế đề nghị các địa phương thực hiện theo các văn bản chỉ đạo cụ thể vấn đề này.
Mầm bệnh tồn tại trong cộng đồng
Về vấn đề giải trình tự gene của virus SARS-CoV-2 tìm thấy trong các ca mắc tại Việt Nam, ông Long cho biết, kết quả giải trình tự gene của trường hợp bệnh nhân Nhật Bản tử vong và chùm ca bệnh tại Hà Nội cho thấy đây là virus SARS-CoV-2 nhóm 20C. Chủng này lưu hành chủ yếu tại Hàn Quốc, Sri Lanka, Ấn Độ, Đài Loan... nhưng không có ở Nhật Bản. Tốc độ lây nhiễm của chủng này không cao, nhưng mức độ tăng nặng chưa rõ ràng.
Đối với chủng lưu hành tại Hải Dương là biến chủng SARS-CoV-2 tại Anh, một mẫu là chủng lưu hành tại Nam Phi; 8 mẫu lưu hành tại Quảng Ninh cũng là biến chủng của Anh.
“Mầm bệnh có thể tồn tại trong cộng đồng, do vậy cần nâng cao cảnh giác trong phòng chống dịch. Bộ Y tế kiến nghị tiếp tục thực hiện các công tác phòng chống dịch theo Chỉ thị 05 của Thủ tướng, đối với Hà Nội, TP.HCM và các địa phương khác, tập trung giám sát các cơ sở y tế, bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho trong cộng đồng, các chuyên gia nước ngoài và những người nhập cảnh”, ông Long nói.
BN1536 (79 tuổi từ Mỹ về) nhập viện từ ngày 15/1. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi nặng do SARS-CoV-2 trên bệnh nền tăng huyết áp, tiểu đường type 2, suy tim, biến chứng rối loạn nhịp, rối loạn đông máu. Trong quá trình điều trị, cùng với nhiều giải pháp chuyên môn khác, bệnh nhân được chỉ định can thiệp ECMO. Đến nay, Hội đồng chuyên môn đã nhiều lần hội chẩn quốc gia bàn phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhân này.