Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Biểu tình lan rộng ngày thứ 4 ở Myanmar, gần 30 người bị bắt giữ

(VTC News) -

Cảnh sát bắt giữ 27 người trong bối cảnh làn sóng biểu tình lan rộng tại nhiều địa phương trên khắp Myanmar trong ngày thứ 4 liên tiếp.

Hôm 9/2, truyền thông địa phương cho biết, cảnh sát đã bắt giữ ít nhất 27 người biểu tình ở thành phố lớn thứ hai Myanmar - Mandalay, trong đó một nhà báo.

Video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy, cảnh sát bắn vòi rồng, giải tán đám đông tham gia biểu tình ở thành phố Bago. Tương tự, trên Facebook cũng chia sẻ hình ảnh cảnh sát Myanmar cũng sử dụng, bắn vòi rồng vào đám đông người biểu tình ôn hòa ở thủ đô Naypyidaw.

Các cuộc biểu tình mới nhất diễn ra ở nhiều địa điểm tại thành phố Yangon, trong đó có cả trụ sở của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) - đảng của nhà lãnh đạo bị phế truất Aung San Suu Kyi. Người biểu tình mang theo các biểu ngữ phản đối đảo chính quân sự ở Myanmar như "chúng tôi muốn lãnh đạo được bầu Aung San Suu Kyi”, và "không muốn chế độ độc tài".

Biểu tình lan rộng tại nhiều địa điểm ở Myanmar, phản đối đảo chính quân sự. (Ảnh: Reuters)

Tại thị trấn San Chaung - thuộc thành phố Yangon, nơi đặc biệt cấm tụ tập đông người, nhiều giáo viên đã diễu hành trên con đường chính ở thị trấn này. Đây là nơi tập trung đông người biểu tình trong những ngày gần đây.

"Chúng tôi không lo lắng về cảnh báo của họ. Đó là lý do tại sao chúng tôi ở mặt ở đây. Chúng tôi không thể chấp nhận lý do gian lận phiếu bầu, không muốn có bất kỳ chế độ độc tài quân sự nào", AFP dẫn lời giáo viên Thein Win Soe cho hay.

Các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Myanmar đã bước sang ngày thứ tư liên tiếp và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Người biểu tình xuống đường phản đảo chính, yêu cầu trả tự do cho Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các quan chức chính phủ.

Trước bối cảnh đó, đài truyền hình nhà nước Myanmar do quân đội quản lý phát cảnh báo không chấp nhận hành động sai trái và có thể dùng luật pháp để xử lý. Theo đó, đài MRTV cho rằng, gần đây tại Myanmar đã diễn ra các hành vi vi phạm luật pháp và đe dọa bạo lực từ các nhóm "mượn cớ dân chủ và nhân quyền".

Bên cạnh đó, quân đội Myanmar còn từng cảnh báo dân chúng không đăng những "tin đồn trên mạng xã hội" có thể kích động "bạo loạn và gây bất ổn", sau khi người dân nước này liên tục thể hiện quan điểm phản đối cuộc đảo chính trên mạng.

Đảo chính ở Myanmar xảy ra hôm 1/2. Cố vấn nhà nước Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và một số lãnh đạo cấp cao trong đảng cầm quyền NLD bị quân đội bắt giữ. Những người này bị bắt với cáo buộc có hành vi gian lận trong cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái.

Hôm 8/2, Thống tướng Aung Hlaing cam kết trao trả quyền lực sau bầu cử, đồng thời kêu gọi công chúng ưu tiên sự thật thay vì hành động theo cảm tính, đồng thời tuyên bố ưu tiên cuộc chiến chống COVID-19, trong đó có cả việc tiêm chủng cho toàn dân Myanmar.

Kông Anh

Tin mới