Ngày 19/5, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức lễ trao tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (năm 2021). 128 tác giả, đồng tác giả được trao giải, trong đó 16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh vào đợt này.
87 tác giả, đồng tác giả được trao tặng Giải thưởng Nhà nước và 25 tác giả, đồng tác giả được truy tặng Giải thưởng Nhà nước trong đợt này.
Nhìn vào danh sách trao tặng năm nay, có thể thấy biên đạo múa "được mùa" với tổng cộng 21 người giành Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước.
Cụ thể, ở Giải thưởng Nhà nước, có 16 tác giả, đồng tác giả giành giải: NSND Hà Thế Dũng, NSND Phạm Thị Ngọc Bích, NSND Hoàng Ngọc Hải, NSND Mai Trung Kiên (Mai Kiên), NSND Nguyễn Hồng Phong, NSƯT Nguyễn Hòa Hiếu, NSƯT Trần Ly Ly, Nguyễn Thị Tuyết Minh...
Ở Giải thưởng Hồ Chí Minh có NSND Đặng Hùng, NSND Vũ Việt Cường, NSND Lê Văn Khình (Lê Khình); PGS.TS, NSND Ứng Duy Thịnh, PGS.TS, NSND Nguyễn Thị Hiển được trao tặng.
Biên đạo múa Tuyết Minh.
Trong danh sách Giải thưởng Nhà nước lần này, nghệ sĩ Tuyết Minh được trao giải thưởng cho tiết mục múa: Hoàn lương, Mùa Phượng cháy, Tình đời.
Đây là trường hợp khá đặc biệt bởi nghệ sĩ Tuyết Minh từng bị "đánh trượt" trong đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT năm 2015. Thời điểm xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT nghệ sĩ Tuyết Minh đã có 17 năm gắn bó với nghiệp múa, từng đoạt 12 HCV, 11 HVB trong nước và quốc tế (trong đó có cả huy chương cho vai trò diễn viên biểu diễn và vai trò biên đạo).
Với thành tích vượt trội về số huy chương, năm công tác trong ngành múa, nhưng hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT của Tuyết Minh đã “trượt” tại Hội đồng xét duyệt chuyên ngành cấp nhà nước với lý do "đạo đức".
Nghệ sĩ Tuyết Minh chia sẻ rất trân trọng chặng đường đã đi qua bởi "luôn say mê, tâm huyết, cẩn trọng, nghiêm túc với nghệ thuật múa với quan niệm nghệ thuật phải vị nhân sinh”.
"Với cương vị Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, tôi sẽ cố gắng hết mình để tạo ra không gian cho những tài năng trẻ được thử sức, sáng tạo và thể hiện đam mê với nghệ thuật, có những tác phẩm ý nghĩa cho cộng đồng, xã hội. Đó chính là chìa khóa để nghệ sĩ và tác phẩm nghệ thuật đi vào trái tim khán giả...", nghệ sĩ Tuyết Minh chia sẻ.
Ngoài ra, có hai tác giả là anh em ruột cùng được Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật dịp này là Nhà văn Nguyễn Văn Thọ (Thọ Muối) với tác phẩm Quyên. Em trai ông - NSND Nguyễn Thước với phim tài liệu: Không chỉ là thương hiệu, Đất lạnh, Cỏ xanh im lặng.
"Quyên là một trong số ít các tác phẩm viết về người Việt Nam ở nước ngoài. Tôi chọn đề tài này vì chưa có nhiều cây viết “chạm” tới. Đề tài càng khó, tôi càng muốn dấn thân. Tôi mất gần 7 năm với 3 lần thay đổi cấu trúc tác phẩm, có khi được duyệt rồi vẫn thay đổi. Rồi cũng mất tới 7 lần viết 7 cái kết cho Quyên, nhưng cũng chỉ chọn một cái kết. Bỏ công, bỏ sức, tôi mong muốn tác phẩm của mình khi đến tay độc giả phải chỉn chu nhất. Từng câu chữ trong tác phẩm phải chạm đến trái tim bạn đọc", nhà văn Nguyễn Văn Thọ chia sẻ.
8 tác giả, đồng tác giả được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh: Nguyễn Văn Ký (Văn Ký), Nguyễn Văn Chước (Bùi Trang Chước), Hoàng Châu Ký, Nguyễn Xuân Trình, Nguyễn Xuân Đức, Hoàng Trung Thông (Đặc Công, Bút Châm), Bùi Hiển, NSƯT Phan Thế Dõng (Trần Nhu, Nguyệt Hải).
8 tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh: Phan Hồng Đăng (Hồng Đăng), Chu Chí Thành, Võ Nguyên Nhân (Võ An Khánh), NSND Đặng Hùng (Đặng Phải, Bồng Sơn), NSND Vũ Việt Cường, NSND Lê Văn Khình (Lê Khình); PGS.TS, NSND Ứng Duy Thịnh, PGS.TS, NSND Nguyễn Thị Hiển