Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - SAB) đã công bố nghị quyết HĐQT thông qua phương án chào mua công khai 37,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 43,2% vốn điều lệ của CTCP Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibec - SBB).
Thời điểm chào mua là trong năm 2024, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Mức giá chào mua theo công bố là 22.000 đồng/cổ phiếu.
Bia Sài Gòn Bình Tây sẽ trở thành công ty con của Sabeco trong năm 2024 nếu thương vụ thâu tóm hoàn tất. (Ảnh: SBB)
Tuy nhiên, Sabeco cũng đưa ra các điều kiện về việc hủy bỏ đợt chào mua, trong đó sẽ hủy mua nếu số lượng cổ phiếu SBB đăng ký bán không đạt tỷ lệ tối thiểu, là hơn 25,12 triệu cổ phiếu - tương đương 28,7% tổng cổ phiếu đang lưu hành, hoặc SBB giảm số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/9, SBB đứng ở 18.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, Sabeco chấp nhận trả giá cao hơn thực tế 18% để thâu tóm SBB. Tương ứng Sabeco sẽ phải chi hơn 830 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ.
Sabeco đang là cổ đông lớn tại SBB, với tỷ lệ nắm giữ 16,4%. Bên cạnh đó, người liên quan Sabeco còn nắm khoảng 5,5 triệu cổ phiếu SBB, tương ứng tỷ lệ 6,3% vốn điều lệ. Như vậy, Sabeco đã nắm 22,7% vốn của SBB.
Với tổng số cổ phiếu tương ứng 43,2% vốn điều lệ mà Sabeco chào mua lần này, nếu thành công, Sabeco sẽ nâng sở hữu tại bia Sài Gòn Bình Tây lên đến 65,9%. Tỷ lệ này Sabeco sẽ trở thành công ty mẹ của Bia Sài Gòn Bình Tây.
Theo báo cáo tài chính nửa đầu năm 2024, SBB ghi nhận doanh thu 635 tỷ đồng, tuy nhiên do chi phí tài chính tăng cao nên công ty lỗ gần 92 tỷ đồng. Năm 2023, Sabibeco công bố mức lỗ lớn với 152 tỷ đồng.
Bia Sài Gòn Bình Tây thành lập năm 2005, sở hữu sản phẩm bia Sagota. Doanh nghiệp này có 6 nhà máy thành viên và liên kết, tổng công suất sản xuất đạt 610 triệu lít bia/năm. Tổng tài sản của SBB đến hết tháng 6/2024 đạt 2.328 tỷ đồng.
Còn với Sabeco, trong nửa đầu năm 2024, hãng bia này ghi nhận doanh thu hơn 15.378 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với nửa đầu năm ngoái. Lãi sau thuế cũng tăng khoảng 6%, đạt 2.342 tỉ đồng.