
Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM vừa thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp (gọi tắt là Ban Chỉ đạo).
Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM làm Trưởng Ban Chỉ đạo; Ông Nguyễn Thanh Nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy làm Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo.
Các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo gồm: Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Nguyễn Phước Lộc.
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên.
Ban Chỉ đạo có 33 thành viên, chịu trách nhiệm chỉ đạo xây dựng và triển khai đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, đồng thời xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng Ban và được sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị công tác để tham mưu, hỗ trợ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Ban Tổ chức Thành ủy và Sở Nội vụ TP.HCM được phân công làm cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, giữ vai trò đầu mối tổng hợp, tham mưu tổ chức triển khai các nội dung công việc.
Trước đó, tối 15/4, Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM phát hành thông cáo báo chí về kết quả Hội nghị lần thứ 39 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM.
Tại hội nghị, đã đề cập phương án hợp nhất ba đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh gồm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và TP.HCM, trên cơ sở thực hiện hai nhiệm vụ: sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh và sắp xếp ĐVHC cấp xã.
Theo đề án, sau khi hợp nhất ba ĐVHC cấp tỉnh, TP.HCM mới sẽ có quy mô dân số trên 13,7 triệu người, gồm 168 ĐVHC trực thuộc, hình thành một siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ.
Hiện nay, TP.HCM có tổng cộng 273 ĐVHC cấp xã. Sau sắp xếp, sẽ thành lập 102 ĐVHC cấp xã mới, đạt tỷ lệ 37,36%, giảm 171 đơn vị (tương đương 62,64%), theo tinh thần Nghị quyết số 60-NQ/TW của Bộ Chính trị, yêu cầu giảm từ 60 - 70% số lượng ĐVHC cấp xã cũ.
Về tổ chức đảng, sau sắp xếp, Đảng bộ TP.HCM sẽ có 6 tổ chức đảng cấp trên trực thuộc Thành ủy và 102 tổ chức đảng cấp xã, phường (thí điểm mô hình tổ chức đảng cấp trên trực tiếp).
Dự kiến, sẽ có 985 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng ủy xã, phường, bao gồm tổ chức đảng trong cơ quan đảng, UBND cấp xã, công an, quân sự, doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp như trường học, bệnh viện, cơ sở y tế… giảm 529 tổ chức cơ sở đảng so với hiện nay.