Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bí thư Hà Nội: Nâng mức nguy cơ trong kịch bản chống dịch COVID-19

(VTC News) -

Ông Đinh Tiến Dũng yêu cầu nâng mức nguy cơ trong các kịch bản phòng, chống dịch; ưu tiên tập trung chuẩn bị phương án điều trị khi số lượng F0 tăng cao.

Trả lời báo chí ngày 22/7, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, những ngày qua diễn biến dịch tại Hà Nội và các địa phương phức tạp, chủng Delta lây nhiễm rất nhanh. Ông đề nghị toàn thành phố phải có kế hoạch chuẩn bị để chủ động trước những diễn biến xấu, không để bị động, bất ngờ.

Lên phương án 20.000 giường bệnh

Ông Đinh Tiến Dũng yêu cầu nâng mức nguy cơ trong các kịch bản phòng, chống dịch từ thành phố xuống cơ sở; ưu tiên tập trung chuẩn bị phương án điều trị khi số lượng F0 tăng cao, nhất là điều trị bệnh nhân nặng; coi hạn chế rủi ro, bảo vệ tính mạng người dân là nhiệm vụ ưu tiên số 1.

Để làm được điều đó, Bí thư Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này. Thay vì kịch bản bố trí 5.000 giường bệnh điều trị F0 hiện tại, phải chuẩn bị phương án bố trí 10.000 giường, 20.000 giường và khi cần thiết có thể tăng mức cao hơn. Đi kèm với mỗi kịch bản phải bảo đảm chuẩn bị đủ cơ sở vật chất và con người; có phương án dự trữ hoặc huy động tương ứng, không để bị thiếu giường bệnh, thiếu máy thở, thiếu thuốc men, thiếu y bác sĩ, điều dưỡng...

Trước mắt, nâng số giường bệnh dự phòng tại các cơ sở y tế thành phố quản lý bao gồm cả hệ thống công lập và tư nhân. UBND thành phố làm việc ngay với các bệnh viện do Bộ Y tế quản lý trên địa bàn để phối hợp thực hiện công tác chuẩn bị điều trị F0; triển khai củng cố, mở rộng các khoa hồi sức tích cực để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Nâng cao năng lực điều trị phải được chuẩn bị đồng bộ với giải pháp phân luồng, phân loại bệnh nhân để tiếp nhận kịp thời, cấp cứu nhanh, điều trị hiệu quả, hạn chế thấp nhất rủi ro tính mạng cho người dân.

Người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội yêu cầu chuẩn bị ngay việc thiết lập các bệnh viện dã chiến. Ông nêu rõ nòng cốt thực hiện nhiệm vụ này là các lực lượng quân đội, công an vận hành bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn; ngành y tế chịu trách nhiệm chuyên môn, điều trị. Cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương phải phối hợp chặt chẽ, trước hết phải chuẩn bị ngay về địa điểm, rà soát để trưng dụng một số nhà chung cư chưa bàn giao, nhà thi đấu, trung tâm văn hóa thể thao... phục vụ thiết lập bệnh viện dã chiến.  

Ngành Y tế phải có phương án bố trí đủ số lượng cán bộ y bác sĩ, huy động sinh viên các trường y, dược tham gia vào hệ thống điều trị của thành phố, huy động hỗ trợ từ các tỉnh, thành phố khác. Số lượng bảo đảm phù hợp với các kịch bản giường bệnh, bệnh viện dã chiến; được đánh giá cụ thể về chất lượng để có phương án đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, huyện luyện ngay. Đồng thời phải tăng cường năng lực xét nghiệm, có phương án xét nghiệm diện rộng cho kết quả nhanh.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo bố trí các khu cách ly trên địa bàn, bảo đảm phương án sẵn sàng cách ly cho từ 30.000-50.000 người. Địa điểm cách ly ưu tiên ở ngoại thành nơi có không gian thoáng rộng, tách biệt với dân cư; giao cho các đơn vị quân đội lên phương án sử dụng trường học, ký túc xá, khu quân sự thành cở sở cách ly, điều trị tập trung cho các trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ.  

Đặc biệt lưu ý tầm quan trọng của cơ chế vận hành đi kèm mỗi phương án, kịch bản phòng, chống dịch COVID-19, ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: “Phải coi cơ chế vận hành là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong công tác chuẩn bị; vì đầy đủ “4 tại chỗ” mà lúng túng trong vận hành, chậm trễ trong triển khai thì lợi bất cập hại. Nên ngay khi có kịch bản, phương án tôi đề nghị phải nhanh chóng tổ chức diễn tập để khi có “động lệnh” là thực hiện được ngay”.

3 nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm

Bí thư Hà Nội yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung vào 3 nhiệm vụ, trọng tâm, trọng điểm trước mắt, đó là: Lấy tấn công để phòng thủ; truy vết bằng được, bóc tách bằng được các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng; dập tắt nhanh nhất các ổ dịch mới, không để lan rộng.

Hà Nội cần sẵn sàng phương án, kịch bản tổ chức tiêm vaccine COVID-19 cụ thể tới từng điểm tiêm, bảo đảm công khai minh bạch, đúng đối tượng tiêm, đúng nguyên tắc, đúng quy định và đặt công tác an toàn, hiệu quả tiêm chủng lên hàng đầu; thực hiện tốt, bảo đảm công bằng một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn.

Ông yêu cầu nâng mức nguy cơ trong tất cả các kịch bản chống dịch, ở tất cả các cấp độ, bắt tay vào chuẩn bị ngay, xong kịch bản nào phải tổ chức diễn tập cơ chế vận hành ngay.

Các cấp, các ngành cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ mọi tuyến đường vào thành phố gồm hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa; duy trì nghiêm 22 chốt kiểm dịch hiện tại và các chốt do các địa phương thiết lập bảo đảm đủ lực lượng trực 24/24h và 7/7 ngày trong tuần; kiểm soát 100% người và phương tiện vào thành phố.

Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo thực hiện nghiêm và hiệu quả việc tổ chức cách ly tập trung tại các địa điểm cách ly tập trung trên địa bàn thành phố đối với toàn bộ người về từ các địa phương có dịch đang thực hiện giãn cách xã hội trừ các lực lượng phục vụ công tác phòng chống dịch và công tác công vụ đã được cấp thẩm quyền cho phép. Các lực lượng theo chức năng, nhiệm vụ và phân công phải nêu cao ý thức trách nhiệm, chủ động phối hợp với Sở Y tế, Bộ Tư lệnh Thủ đô để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này.

Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tiếp tục phát huy tối đa các tổ COVID-19 cộng đồng và huy động sức mạnh toàn dân tham gia phòng, chống dịch, trước mắt quản lý chặt chẽ, hiệu quả người về từ vùng dịch đang thực hiện giãn cách xã hội, người đang trong quá trình phải cách ly y tế và theo dõi sức khỏe tại nhà.

Ban Dân vận Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức đoàn thể các cấp thành phố làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kỹ năng phòng, chống dịch cho đoàn viên, hội viên và nhân dân; tiếp tục khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn; đưa ra giải pháp thiết thực chăm lo, hỗ trợ cho người dân, nhất là những đối tượng khó khăn, yếu thế.

Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí Hà Nội, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí Trung ương chủ động tuyên truyền định hướng dư luận xã hội, trọng tâm là xây dựng niềm tin, thái độ bình tĩnh, không hoang mang lo sợ, nhưng cũng không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch, tin tưởng vào các giải pháp phòng chống dịch mà thành phố đã và đang triển khai thực hiện.

Minh Tuệ

Tin mới