Dự án “Xây dựng năng lực quản lý thiên tai cho khu vực miền núi huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình” do VLIR-UOS tài trợ đã được phê duyệt để mở rộng sang huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Dự án sẽ được Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản VIGMR (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cùng đối tác Bỉ là Đại học Tự do Brussels (VUB) thực hiện trong thời gian 20 tháng (2021-2022).
(Ảnh minh họa: Đại sứ quán Bỉ)
Thuộc Hội đồng liên trường đại học vùng Flanders, Bỉ, VLIR-UOS tạo điều kiện và hỗ trợ các quan hệ đối tác để phát triển bền vững giữa các cơ sở giáo dục đại học ở Flanders và ở các quốc gia đối tác.
“Chúng tôi rất vui mừng khi tác động xã hội của các chương trình xây dựng năng lực đại học, dựa trên quan hệ đối tác khoa học giữa các cơ quan của Việt Nam và vùng Flanders, đã được Bộ trưởng Hợp tác Phát triển Meryame Kitir công nhận, thông qua đề xuất mở rộng phạm vi khu vực nghiên cứu nhằm ứng phó với ảnh hưởng của các đợt sạt lở đất vừa qua. Đây là một minh chứng cho thấy các kết quả dự án VLIR-UOS thực sự có tác động xã hội" - bà Kristien Verbrugghen, giám đốc VLIR-UOS nói.
Là những đối tác phát triển lâu đời, Bỉ và Việt Nam đã và đang phát triển quan hệ song phương trên các lĩnh vực khác nhau. Dự án nhấn mạnh việc Chính phủ Bỉ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam ứng phó hiệu quả với các thách thức của biến đổi khí hậu và quản lý/phòng ngừa các loại thiên tai như lũ lụt diện rộng và đặc biệt là sạt lở đất nghiêm trọng tại miền Trung Việt Nam, nhất là tỉnh Quảng Nam, trong tháng 10/2020.
Đại sứ Bỉ Paul Jansen chia sẻ: "Sau khi viện trợ nhân đạo cho người dân bị ảnh hưởng nặng nề tại một số vùng của miền Trung trong năm 2020, Vương quốc Bỉ cũng muốn góp phần vào các giải pháp để quản lý thảm họa và giảm thiểu các nguy cơ thiệt hại về người trong tương lai. Các kết quả thu được của dự án này cũng sẽ rất quan trọng đối với ngành nông nghiệp mà Bỉ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang phối hợp chặt chẽ để triển khai Hiệp định Đối tác Chiến lược về Nông nghiệp được ký kết vào tháng 10/2018".
Với biến đổi khí hậu, Việt Nam ngày càng bị ảnh hưởng bởi các hiểm họa thiên nhiên. Ở địa hình miền núi, lượng mưa gia tăng, kết hợp với thay đổi sử dụng đất và áp lực dân số, gây ra sự bất ổn định về độ dốc.
Những vụ sạt lở đất này tạo ra những tác động lớn, mặc dù ít được ghi chép lại, ảnh hưởng đến đời sống và sinh kế của người dân nông thôn. Dự án mới hướng tới mục tiêu vượt ra khỏi việc đánh giá khoa học truyền thống về các nguy cơ trượt lở đất, bằng cách thực hiện các phương pháp để lập dữ liệu theo thời gian thực về sự xuất hiện và tác động của sạt lở đất cùng với cộng đồng địa phương, và cùng thiết kế các phương pháp giảm thiểu rủi ro thiên tai phù hợp với bối cảnh địa phương.
Theo TS Nguyễn Quốc Định (VIGMR), chủ nhiệm Dự án, Dự án này sẽ giúp liên kết các nhà khoa học trong các lĩnh vực khác nhau, giúp các nhà quản lý xem xét một cách toàn diện mối liên quan giữa các tai biến tự nhiên – nhân sinh, bao gồm cả vai trò của chính sách, văn hóa, và cách thu hút tất cả các bên liên quan từ cá nhân, tổ chức đến chính phủ tham gia để đưa ra các khuyến nghị.
Dự án cũng góp phần xây dựng và nâng cao hiểu biết về các nguy hiểm của thiên tai cho người dân và cấp quản lý, nhằm tăng cường chủ động ứng phó với thiên tai tại một số khu vực thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra, Dự án còn là bước đệm hướng tới sự hợp tác lâu dài hơn giữa các cấp quản lý địa phương và các nhà khoa học thông qua việc thiết lập một mạng lưới người quan sát địa phương giúp chính quyền địa phương trong quá trình ra quyết định quản lý/phòng chống thiên tai.
“Các nhà hoạch định chính sách địa phương, các nhà quản lý rủi ro và các cộng đồng chịu rủi ro là cốt lõi của dự án này. Họ đóng góp vào việc thiết kế nghiên cứu, thu thập dữ liệu và phát triển các kết quả nghiên cứu có ý nghĩa, dẫn đến tác động bền vững hơn” – GS. Matthieu Kervyn (VUB) chia sẻ.