Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bị cấm hoạt động, doanh nghiệp giấy ở Bắc Ninh vẫn lén lút sản xuất vào ban đêm

(VTC News) -

Bất châp lệnh cấm, nhiều doanh nghiệp, cơ sở tái chế giấy ở Phong Khê, Phú Lâm (Bắc Ninh) vẫn lén lút sản xuất vào ban đêm gây ô nhiễm môi trường.

Video: Doanh nghiệp giấy ở Bắc Ninh hoạt động vào ban đêm để tránh bị xử phạt

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất giấy ở phường Phong Khê (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) bị tạm dừng hoạt động vì chưa đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường, xả thải gây ô nhiễm.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, những ngày gần đây, hàng chục doanh nghiệp vẫn lén lút sản xuất vào ban đêm khiến người dân bức xúc... Việc sản xuất vụng trộm của các cơ sở này không chỉ gây ô nhiễm môi trường trầm trọng mà còn tạo sự mất công bằng đối với các doanh nghiệp đang chấp hành nghiêm yêu cầu về bảo vệ môi trường của UBND tỉnh Bắc Ninh.

Anh N.C, người dân phường Phong Khê cho biết, những ngày qua, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng như thành phố có nhiều giải pháp chỉ đạo quyết liệt, xử lý nghiêm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản xuất giấy không tuân thủ pháp luật quy định về bảo vệ môi trường nên tình trạng ô nhiễm môi trường nước thải và không khí ở Phong Khê đã giảm hẳn.

“Hiện đường giao thông sạch sẽ hơn, các cống thoát nước cũng được khơi thông nên tình trạng hôi thối, khói bụi giảm hẳn....Tuy nhiên mấy ngày gần đây vẫn còn một số doanh nghiệp bất chấp yêu cầu dừng hoạt động, vụng trộm sản xuất giấy vào buổi tối, xả khói nghi ngút, bốc mùi hôi thối khiến chúng tôi không thể chịu được”, anh C. bức xúc nói.

Cơ sở này vẫn hoạt động sản xuất vào ban đêm.

Cùng chung nỗi bức xúc, ông L.V.K. chia sẻ: “Từ nhiều năm nay, chúng tôi phải sống trong bầu không khí bụi bặm, nguồn nước thải thì ô nhiễm trầm trọng, bốc mùi hôi thối khiến cuộc sống của chúng tôi rất khổ sở, gây nhiều bệnh tật. Giờ chỉ mong chính quyền giải quyết dứt điểm tình trạng này cho dân bớt khổ”.

Vì sao khó xử lý?

Trả lời PV VTC News về thực trạng trên, ông Lê Văn Tấn, Chủ tịch UBND phường Phong Khê (TP Bắc Ninh) thừa nhận vẫn còn tình trạng doanh nghiệp vì cố giữ chân khách hàng nên lén lút sản xuất vào ban đêm.

Ông Tấn cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cùng với đó là các đợt kiểm tra, xử lý quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cùng ngành chức năng nên nhiều hộ sản xuất giấy Phong Khê bị ảnh hưởng rất lớn.

Thực tế hiện nay, hơn 60% các máy sản xuất giấy của làng nghề đã dừng hoạt động. Nguyên nhân thứ nhất là do các doanh nghiệp thiếu nguồn nguyên liệu cung cấp; thứ hai là do ảnh hưởng kinh tế từ dịch COVID-19 gây ra; thứ ba là một số doanh nghiệp, cở sở sản xuất giấy chưa xây dựng hệ thống xử lý đảm bảo môi trường nên bị cấm sản xuất.

Chủ tịch phường Phong Khê khẳng định việc các cơ sở lén lút hoạt động khi chưa xây dựng, hoàn thiện xong hệ thống xử lý nước thải, không khí là trái phép. Tuy nhiên, các cơ sở thường đóng kín cửa, khi lực lượng chức năng đi kiểm tra thì họ lại đóng máy, dừng hoạt động nên chính quyền khó xử lý.

"Nếu bây giờ cấm dừng hoạt động sản xuất làng nghề giấy Phong Khê thì chắc chắn sẽ có khoảng ¾ doanh nghiệp bị vỡ nợ ngay. Bởi vì, hiện nay dù đang hoạt động cầm chừng nhưng nhiều doanh nghiệp bị điêu đứng” vì lãi suất ngân hàng.

Nếu tình trạng này kéo dài thì sẽ rất khó khăn cho làng nghề. Đa phần các doanh nghiệp sản xuất giấy Phong Khê là hộ kinh tế gia đình, vận động, sử dụng vốn gia đình và vốn ngân hàng…, có doanh nghiệp lớn thì vay ngân hàng đến 100 tỷ đồng, còn doanh nghiệp vừa và nhỏ thì vay ngân hàng hàng chục tỷ đồng. Vì vậy, họ rất lo sợ bị dừng hoạt động sản xuất, như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của gia đình họ”, ông Tấn chia sẻ.

Theo người đứng đầu UBND phường Phong Khê, chính quyền địa phương đang khó khăn trong việc xử lý tình trạng doanh nghiệp cố hoạt động sản xuất khi chưa đáp ứng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Theo Chủ tịch UBND phường Phong Khê, hiện giờ chính quyền địa phương chỉ biết tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp sản xuất phải chấp hành việc bảo vệ môi trường, đầu tư hệ thống xử lý nước thải và khói bụi đúng quy định pháp luật.

“Chúng tôi khuyến cáo các doanh nghiệp tìm đơn vị, cơ quan chức năng hướng dẫn sử dụng hệ thống kỹ thuật đảm bảo chất lượng, đủ tư cách pháp nhân đạt tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường khói và nước thải. Không thể để các doanh nghiệp sản xuất lấy lãi mà lại không chịu đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khói bụi gây ô nhiễm môi trường, để người dân phải gánh chịu được”, ông Lê Văn Tấn nói.

Trả lời VTC News, ông Nguyễn Đình Phương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bắc Ninh cho biết trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng vẫn phát hiện nhiều cơ sở sản xuất còn sản xuất vụng trộm mà chưa có hệ thống xử lý đảm bảo môi trường.

Theo ông Phương, để xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại cụm công nghiệp Phú Lâm (huyện Tiên Du) và cụm công nghiệp Phong Khê (TP Bắc Ninh), Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh đang đề xuất lãnh đạo tỉnh chỉ đạo, yêu cầu các cơ sở sản xuất thuộc các cụm công nghiệp mà có diện tích đất lấn chiếm phải tháo dỡ trả nguyên hiện trạng. Thời gian hoàn thành trước 30/8/2021.

Ông Nguyễn Đình Phương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh.

Các cơ sở hoạt động sản xuất phải đầu tư xây dựng đầy đủ các công trình bảo vệ môi trường theo quy định, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đảm bảo nước thải sau xử lý đạt cột A Quy chuẩn Việt Nam hiện hành và tái sử dụng tuần hoàn nước thải.

Các cơ sở phải đầu tư, lắp đặt camera tại khu vực hệ thống xử lý nước thải và truyền dữ liệu về UBND TP Bắc Ninh, UBND huyện Tiên Du, Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát.

Các cơ sở sản xuất phải hoàn thiện hồ sơ môi trường, chỉ được phép hoạt động sau khi đã khắc phục các tồn tại theo Quyết định xử lý vi phạm hành chính và được Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xác nhận các công trình bảo vệ môi trường theo quy định.

Đối với các cơ sở đã đầu tư đồng bộ các công trình xử lý khí, bụi thải phát sinh từ quá trình đun đốt nồi hơi, Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu thường xuyên vận hành hệ thống đảm bảo bụi, khí thải trước khi thải ra môi trường đáp ứng theo Quy chuẩn Việt Nam hiện hành. Đối với các cơ sở chưa có hệ thống xử lý bụi, khí thải, cơ quan chức năng yêu cầu các cơ sở mua hơi thương phẩm của các cơ sở sản xuất hơi tập trung.

“Chúng tôi cũng yêu cầu dừng hoạt động và tháo dỡ, thời gian hoàn thành trước ngày 30/10/2021 đối với các cơ sở sản xuất trên đất nông nghiệp, đất thủy lợi, đất cây xanh, đất lấn chiếm,… không được cơ quan có thẩm quyền cho phép, ông Nguyễn Đình Phương nói.

Bên cạnh đó, ông Phương cũng thông tin Công an tỉnh Bắc Ninh sẽ kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp hoạt động khi chưa chấp hành đúng, đủ các quy định của pháp luật môi trường.

Nguồn nước sông Ngũ Huyện Khê lại bị đe dọa nghiêm trọng khi các doanh nghiệp sản xuất giấy tại Phú Lâm và Phong Khê hoạt động, phớt lờ lệnh cấm xả thải trái phép.

Sau khi VTC News phản ánh loạt bài về tình trạng ô nhiễm môi trường ở sông Cầu và sông Ngũ Huyện Khê do làng nghề tái chế giấy Phong Khê (TP Bắc Ninh) và Phú Lâm (Tiên Du) gây ra, UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền TP Bắc Ninh vào cuộc quyết liệt để xử lý tình trạng trên.

UBND TP Bắc Ninh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra 17 cơ sở sản xuất, kinh doanh tại làng nghề Phong Khê và trình UBND tỉnh Bắc Ninh xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 trường hợp sản xuất giấy trên địa bàn phường Phong Khê.

Công an tỉnh trình UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 cơ sở. Tổng số cơ sở bị xử phạt là 17 trường hợp, tổng số tiền gần 7 tỷ đồng.

Tiến Dũng

Tin mới