Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bệnh viện ở New York bật chế độ thảm họa, bác sĩ thành bệnh nhân Covid-19

(VTC News) -

Các bệnh viện ở New York đang chiến đấu với đại dịch Covid-19 trong tình trạng thiếu thốn và đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế ngày ngày phải đối mặt với hiểm nguy.

Bên trong phòng cấp cứu, hơn một tá bệnh nhân có triệu chứng nhiễm virus corona chủng mới đang ngồi đợi đến lượt kiểm tra. Mới vài tuần trước đó, khu vực này chỉ dành cho việc băng bó và khâu vết thương. Chục người khác đang nằm trên cáng, người này nối tiếp người kia giống như trong bãi đậu xe. Một bệnh nhân thở máy đang chờ xếp chỗ trong phòng điều trị đặc biệt.

SARS-CoV-2 xuất hiện ở bệnh viện này cách đây ba tuần. Bác sĩ Sylvie de Souza ghi lại chi tiết từng trường hợp nghi nhiễm vào một quyển sổ mà lúc này đã kéo dài tới 800 cái tên. Hầu hết trong số họ đang ở trong căn chòi được dựng bên ngoài lối vào làm nơi xét nghiệm sàng lọc cho khoảng 100 bệnh nhân mỗi ngày.

Bệnh viện Brooklyn cũng như các cơ sở y tế khác ở New York đang dốc toàn lực đối phó với đại dịch Covid-19.

Bác sĩ thành bệnh nhân

Bác sĩ De Souza và các đồng nghiệp đang chuẩn bị cho một đợt "bão tố" sắp đến. Họ hủy tất cả các ca phẫu thuật để giảm số bệnh nhân nội trú, biến một buồng chụp X-quang thành phòng cho bệnh nhân nghi nhiễm virus, huy động thêm trang thiết bị, điều chuyển đội ngũ điều dưỡng viên cho nhiệm vụ mới và mở một đường dây nóng liên lạc.

Bệnh viện 175 tuổi này đang được mở rộng, theo yêu cầu của Thống đốc New York Andrew Cuomo đối với tất cả các cơ sở y tế. Thành phố được coi là tâm dịch của nước Mỹ đã có tới hơn 20 nghìn ca nhiễm SARS-CoV và 280 người chết tính đến cuối ngày thứ Tư.

Video: Tình hình Covid-19 ở Mỹ diễn biến phức tạp 

Bệnh viện Brooklyn được cấp phép để khám chữa bệnh cho 464 bệnh nhân cùng lúc, nhưng thường thì số lượng nhân viên và giường bệnh ở đây chỉ đủ để xử lý từ 250 đến 300 người bệnh. Họ phải tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi nhân lực vật lực để đối phó với tình hình hiện tại.

Có nhiều điều khiến bác sĩ De Souza phải lo sợ. Nếu số lượng bệnh nhân tiếp tục tăng với tốc độ như hiện tại, khu cấp cứu đến tuần sau sẽ không còn chỗ nữa. Nếu như có quá nhiều bệnh nhân nguy kịch cần điều trị đặc biệt để giữ lấy mạng sống, bà lo rằng các bác sĩ buộc phải lựa chọn xem ai được cứu.

Hơn 40% số bệnh nhân nội trú đang nằm rải rác trong bệnh viện, hơn hai phần ba số bệnh nhân điều trị đặc biệt là những trường hợp liên quan đến SARS-CoV-2. Bốn người đã chết, ba trong số đó qua đời tuần này.

Hơn nửa tá nhân viên của bệnh viện đã nhiễm virus, gần 50 người khác có nguy cơ phơi nhiễm từ một nguồn duy nhất, chính là bệnh nhân Covid-19 đầu tiên tại đây. Người này đã bộc lộ triệu chứng sau khi được đưa vào phòng điều trị đặc biệt vì một chứng bệnh khác. Một số nhân viên y tế đã cách ly, trong đó hai người phải điều trị đặc biệt. Đây là một cuộc chiến vô hình.

Có một bệnh nhân trong phòng cấp cứu, ho nặng đến mức gần như không thể nói được, rất thân thuộc với bác sĩ De Souza. Đó là bác sĩ Fan Yijiao, 31 tuổi, chuyên khoa phẫu thuật răng miệng. Anh đã cách ly tại gia cả tuần và nghĩ rằng sức khỏe có tiến triển, nhưng rồi lại ho ra máu.

Bác sĩ Fan Yijao bây giờ là bệnh nhân.

Bác sĩ, bệnh nhân Fan gửi lời đến cả đất nước đang tranh cãi xem làm thế nào để chống lại đại dịch. Những từ này đủ ngắn gọn để kịp phát ra giữa hai nhịp ho: Hãy ở nhà.

Kể từ khi đại dịch bùng phát, bác sĩ De Souza, 55 tuổi, đã phải làm việc ba tuần liền trong khi cấp phó của bà đang phải cách ly.

Bà được đề nghị không tiếp xúc với gia đình trong thời gian dịch bệnh, nhưng họ cũng muốn bà về nhà nghỉ ngơi vào buổi tối. Khi trở về, bác sĩ De Souza sẽ ngay lập tức đi tắm, ngâm quần áo trong nước nóng. Bà ngủ riêng, giữ khoảng cách với chồng và các con.

"Điều tôi quan tâm nhất là giữ cho họ được an toàn. Tôi tin là mọi nhân viên y tế đều có chung nỗi niềm như vậy", bà chia sẻ

Chế độ thảm họa

Bệnh viện bảo quản rất kỹ trang bị bảo hộ cá nhân, bởi số khẩu trang và dụng cụ y tế mà nơi khác gửi đến bị dùng hết rất nhanh. Tuần này họ bắt đầu thiếu áo choàng.

Trong phòng cấp cứu, Donna Mosley đang bị vây quanh bởi các đồng nghiệp và những chiếc điện thoại reo không ngừng. Cô cúi xuống gầm bàn, nhặt trong hộp ra một chiếc khẩu trang N95 có thể ngăn virus, một chiếc khẩu trang phẫu thuật bọc bên ngoài, tấm che mặt bằng nhựa trong suốt, một chiếc áo choàng xanh lam mỏng mặc che cánh tay và thân trước, và một đôi ủng. Người nhận phải ký vào một tờ đơn và chỉ được dùng một bộ như vậy mỗi ngày.

Bệnh viện Brooklyn không có công ty nào đứng sau để kêu gọi trợ giúp, không có mạng lưới hay các viện liên kết để chia sẻ nguồn lực trong đại dịch trong khi đối tượng mà họ phục vụ là tầng lớp thu nhập thấp và đa sắc tộc. Tuần trước, họ thiếu trầm trọng thiết bị xét nghiệm và đang kêu gọi hỗ trợ từ chính quyền liên bang.

"Chúng tôi đang trong chế độ thảm họa", ông Terrinoni, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành bệnh viện, cho biết.

Các bệnh viện ở New York đang thiếu dụng cụ xét nghiệm.

Những chiếc hộp đựng đầy dụng cụ xét nghiệm được gửi đến từ kho dự trữ chiến lược quốc gia vài hôm trước, tổng cộng 200 cái. Cơ quan Dịch vụ y tế cộng đồng Mỹ cử đến hai nhân viên để phụ trách việc sử dụng chúng. 

Tuy nhiên, có một vấn đề là kết quả xét nghiệm được gửi thẳng về cho bệnh nhân chứ không qua bệnh viện. Bác sĩ De Souza đã chất vấn các quan chức về việc này.

"Chúng ta không thể đoán được tình trạng lâm sàng của bệnh nhân", bà nói. "Nếu ai đó phải dùng tới ống thở, họ sẽ không thể nhấc điện thoại lên để nghe kết quả xét nghiệm được". Các lãnh đạo của bệnh viện đang tìm cách giải quyết việc này và những chiếc hộp đựng dụng cụ xét nghiệm vẫn chưa được mở ra.

Do quy định giới hạn của cơ quan y tế địa phương, các bác sĩ chỉ được xét nghiệm cho những người có triệu chứng đủ nặng để vào nội trú. 

Vài tuần trước, bệnh viện có thể gửi các mẫu thử đến phòng thí nghiệm của thành phố và nhận lại kết quả trong vòng một ngày. Bây giờ, người ta thu thập mẫu thử hai lần một ngày, gửi đến California. Thời gian trả kết quả là hai ngày, lên bốn ngày, rồi bây giờ là một tuần.

"Điều đó thực sự giết chúng tôi", ông Terrinoni nói. 65 bệnh nhân đang chờ kết quả. Mỗi người họ phải cách ly trong một căn phòng vốn dùng cho hai bệnh nhân.

Chính quyền bang New York đã yêu cầu các bệnh viện phải tăng sức chứa bệnh nhân thêm 50%. Bệnh viện Brooklyn sắp xếp được không gian, nhưng lại không có đủ giường và nhân lực, theo lời ông Terrinoni. Họ phải gọi đến Cục dự trữ y tế để xin hỗ trợ bác sĩ, điều dưỡng và chuyên gia hô hấp.

Bệnh nhân chờ xét nghiệm trong căn chòi dựng bên ngoài bệnh viện.

Bà Diana Purnell bị ho suốt một tuần nay, khó thở và tình trạng nặng hơn tất cả những người khác trong căn chòi này. Tuổi 62 và chứng cao huyết áp khiến bà đối mặt với nhiều nguy hiểm hơn từ virus corona chủng mới, nghi nhiễm từ giáo viên dạy nhảy Zumba.

Bà đã gọi cho đường dây nóng bang New York và người ta nói với bà rằng sẽ có bác sĩ liên hệ lại để xét nghiệm, nhưng không có ai liên lạc cả. Bà đã đến một phòng khám gần nhà nhưng nó đã đóng cửa.

Trong phòng cấp cứu, bà Purnell ngồi cùng những bệnh nhân chưa được sàng lọc, một người bị rơi mất khẩu trang và đang ho. Khi chụp X-quang, nhân viên bệnh viện đưa bà vào khu vực dành cho người không thuộc diện nghi nhiễm virus.

"Bà ấy không mắc Covid nên có thể để bà ấy vào phòng này", một nhân viên nói. Bác sĩ Samridhi Sinha xem ảnh chụp X-quang, hỏi bà về các triệu chứng sốt, ho khan và mệt mỏi. "Đúng rồi. Virus đấy", anh nói.

Trong khi những bộ dụng cụ trong kho vẫn chưa được mở ra, bệnh viện Brooklyn chỉ còn lại bốn bộ xét nghiệm. Họ dành chúng cho những bệnh nhân nội trú có triệu chứng nặng. Bác sĩ Sinha bảo bà Purnell ra chiếc bồn ở góc phòng, nhổ nước bọt vào cốc đựng mẫu thử. Cách xét nghiệm này không được khuyến khích, nhưng vẫn được chấp nhận.

Tình trạng của bà Purnell vẫn ổn định và ảnh chụp X-quang rõ ràng nên bà được cho về nhà, chờ kết quả xét nghiệm.

Nỗi ám ảnh chết chóc từ Italy

Đi qua phòng cấp cứu, bác sĩ De Souza dừng lại để nói chuyện với hai bác sĩ điều trị đặc biệt.

"Một người phải ở dưới này", bà nói với họ. Bên cạnh một bệnh nhân đang chờ được đưa lên tầng trên là một người khác đang phải thở máy, rất nguy kịch. Phòng điều trị đặc biệt đã kín chỗ và tình hình sẽ còn tệ hơn.

Bác sĩ De Souza lo sợ điều đó, bị ám ảnh bởi việc các đồng nghiệp ở Italy buộc phải từ chối sử dụng thiết bị giữ mạng cho các bệnh nhân lớn tuổi, hoặc không thể chữa trị đầy đủ cho họ khi các bệnh viện quá tải.

Một số bệnh nhân qua sàng lọc được trả về nhà đã quay trở lại với chứng khó thở, cần dùng tới máy thở.

Bộ phận điều trị đặc biệt có 18 giường bệnh và mới được thêm sáu chiếc. Tất cả đều có người nằm và hai phần ba trong số họ là những ca nhiễm hoặc nghi nhiễm SARS-CoV-2. Bệnh viện Brooklyn vẫn có thể tăng thêm giường điều trị đặc biệt ngay lập tức nếu cần thiết.

Bệnh viện Brooklyn sắp quá tải.

Mỗi bệnh nhân Covid-19 bị suy hô hấp phải thở máy từ hai đến ba tuần.

"Cường độ sử dụng đang tăng lên", bác sĩ James Gasperino, giám đốc trung tâm điều trị đặc biệt, cho biết. Chưa có bệnh nhân Covid-19 nào ở đây hồi phục được sau khi dùng đến máy thở. Trong bốn bệnh nhân Covid-19 chết ở bệnh viện Brooklyn, có ba trường hợp là gia đình chấp nhận rút máy thở.

Tuần này, bệnh viện Brooklyn đã sử dụng hết 61 máy thở mà họ có. Bác sĩ Gasperino cho biết họ đang tính mua thêm máy thở và cho hai bệnh nhân dùng chung một chiếc. Tuy nhiên, việc này không dễ và cũng rất nguy hiểm.

Dù không muốn kịch bản xấu nhất xảy ra, bác sĩ Gasperino và ủy ban đạo đức của bệnh viện cũng phải chuẩn bị sẵn phương án phân bổ suất dùng máy thở. Vài ngày trước, bệnh viện vừa nhận thêm 12 chiếc.

Tất cả các y bác sĩ và nhân viên bệnh viện đang làm tất cả những gì có thể.

"Tất nhiên họ cũng lo lắng, cũng sợ hãi vì họ cũng là con người. Chẳng ai biết được chuyện này rồi sẽ dẫn chúng ta tới đâu. Chúng tôi không biết được liệu mình có mắc bệnh hay không. Nhưng không ai trốn tránh trách nhiệm cả", bác sĩ De Souza nói.

Minh Ngọc

Tin mới