Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bệnh nhân COVID-19 thứ 243 có ủ bệnh 23 ngày?

(VTC News) -

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm xét nghiệm nhưng chưa phát hiện kháng thể ở bệnh nhân 243, nên có thể kết luận người này mới mắc bệnh.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khi xuất hiện những ca mắc với thông tin về khả năng ủ bệnh 23 ngày, hay các trường hợp mất dấu nguồn lây bệnh (F0). 

Với các chuyên gia, câu trả lời cho những lo ngại về tình hình dịch bệnh hiện nay là rà soát và ngăn chặn các ổ dịch nhỏ trong cộng đồng. Theo đó, ý thức của người dân về cách ly xã hội, khai báo y tế trung thực sẽ góp một phần quan trọng trong phòng, chống dịch COVID-19. 

Về những vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng, Bộ Y tế cho biết, trên thực tế, nếu dịch COVID-19 lây lan ra cộng đồng thì đã có nhiều ca bùng phát được xác định và có cả ca nặng được đưa vào điều trị.

Qua một số trường hợp mắc bệnh ghi nhận tại Việt Nam mà không tìm được F0 vừa qua, ví dụ như BN 237, BN 243 và BN 251, cho thấy dịch bệnh đã lây lan trong cộng đồng, mặc dù con số này chưa thật lớn.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu. 

Liên quan đến ca 243, với nhiều câu hỏi đặt ra về việc “Có phải bệnh nhân ủ bệnh 23 ngày hay không?”, ông Phu thông tin, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm cả xét nghiệm kháng thể nhưng chưa phát hiện kháng thể ở bệnh nhân này. Như vậy, có thể kết luận BN 243 không phải mắc COVID-19 từ trước mà là mới mắc bệnh. 

 “Do đó, phần nào có thể khẳng định có sự lây truyền mới trong cộng đồng. Nhưng nguồn lây ở đâu, lây như thế nào thì phải rà soát vì trường hợp bệnh nhân này có lịch trình di chuyển nhiều nơi, cần phải có điều tra thêm về dịch tễ để phát hiện”, ông Phu nhấn mạnh. 

Cũng theo ông Trần Đắc Phu, hiện chúng ta cần làm triệt để biện pháp phát hiện ca bệnh và cách ly cộng đồng. Số lượng lấy mẫu xét nghiệm càng nhiều càng tốt để có thể phát hiện nhiều ổ dịch, để quây lại và dập dịch ngay lập tức. Đây là điều rất quan trọng. Việc giãn cách xã hội cần tiếp tục triển khai quyết liệt đến hết 15/4 và dựa vào chiều hướng của dịch để tiến hành các biện pháp tiếp theo.

“Thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục tất cả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã triển khai vừa rồi từ ngăn chặn, phát hiện và cách ly để tìm kiếm ổ dịch. Điều quan trọng nhất là tìm kiếm ổ dịch nhỏ trong cộng đồng, để cách ly khoanh vùng sớm và dập tắt. Nếu không dịch có thể sẽ bùng lên ghê gớm”, ông Phu khuyến cáo.

Trên Facebook cá nhân, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cũng trả lời nhiều thắc mắc liên quan đến thời gian ủ bệnh kéo dài. Theo BS Khanh, thông tin về các trường hợp có thời gian ủ bệnh dài từng được thông báo, nhất ở Trung Quốc, song Tổ chức Y tế Thế giới sau đó đã kết luận thời gian này chỉ có 14 ngày. 

Bác sĩ Khanh cũng cho rằng, hiện Việt Nam còn đang cách ly một số lượng lớn nên sẽ còn có ca rải rác. Bên cạnh đó, còn tình huống “F0 mất dấu” nên việc xuất hiện một vài ca mắc từ quán bar Buddha, từ Bệnh viện Bạch Mai và từ Công ty trường Sinh “sẽ không có gì lạ”.

Thiên Bình/VOV.VN

Tin mới