Ông Vương Văn Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 quay lại điều hành sau hơn một tháng tạm đình chỉ công tác khiến nhiều người bức xúc.
Nhiều người cho rằng cần có hình thức kỷ luật cao hơn với ông Tịnh do đã buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng bệnh nhân lập phòng bay lắc trong chính khu vực điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 trong thời gian dài.
Đúng quy trình?
Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), theo quy định của Luật Viên chức năm 2010 thì thời hạn tạm đình chỉ công tác không quá 30 ngày. Do đây là vụ việc phức tạp, nhạy cảm cần có thêm thời gian để kiểm tra, xác minh nhưng theo quy định của pháp luật, hết thời hạn trên ông Vương Văn Tịnh vẫn được tiếp tục điều hành công việc.
"Bộ Y tế tạm đình chỉ công tác với ông Vương Văn Tịnh không phải là hình thức kỷ luật với viên chức khi xảy ra sai phạm mà đây là biện pháp nhằm tạo điều kiện để điều tra, xác minh vụ việc được nhanh chóng, chính xác, làm rõ căn cứ. Từ đó mới đưa ra hình thức kỷ luật đúng đắn và tăng cường kỷ cương trong quản lý hành chính nhà nước", ông Quang nói.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế).
Ông Quang thông tin thêm, ngày 4/5, Bộ trưởng Bộ Y tế thành lập Hội đồng kỷ luật do GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế làm Chủ tịch Hội đồng.
Qua 2 lần họp xem xét trách nhiệm, hình thức xử lý kỷ luật đối với ông Vương Văn Tịnh và 3 phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (ngày 16/4 và ngày 5/5), Hội đồng kỷ luật xác định bản kiểm điểm của các cá nhân trên chưa làm rõ được các nội dung, đối tượng vi phạm; phạm vi trách nhiệm; tính chất, mức độ; hậu quả của hành vi vi phạm. Bản kiểm điểm của họ cũng chưa làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan; tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ.
Đồng thời, Hội đồng kỷ luật không chấp thuận hình thức kỷ luật khiển trách do ông Vương Văn Tịnh đề xuất. Do đó, chưa đủ cơ sở để Hội đồng kỷ luật đưa ra hình thức kỷ luật thích đáng đối với từng cán bộ trên.
Vì vậy, Bộ Y tế thành lập Đoàn kiểm tra để làm rõ các vấn đề liên quan, xác định trách nhiệm của giám đốc, Phó giám đốc, các cán bộ liên quan đến vụ việc. Trên cơ sở kết luận, Hội đồng kỷ luật sẽ xem xét, quyết định hình thức xử lý kỷ luật phù hợp. Khi có kết quả xử lý kỷ luật, Bộ Y tế sẽ thông tin kịp thời công khai, minh bạch đến công luận.
Ông Vương Văn Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 được quay trở lại làm việc.
Cần tạm đình chỉ dài hạn
Trước sự việc bệnh nhân bay lắc, mua bán, sử dụng ma tuý trong phòng bệnh tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, nhiều người sẽ không còn niềm tin khi vị giám đốc này tiếp tục quay lại điều hành hoạt động của bệnh viện. Bởi sự việc vừa xảy ra là đặc biệt nghiêm trọng, ngoài sự tưởng tượng. Đây được coi là hành vi vi phạm pháp luật hình sự liên quan đến nhiều đối tượng tội phạm về ma túy.
Tại thời điểm cơ quan công an phát hiện sự việc, giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 chỉ tự nhận hình thức kỷ luật nhẹ nhất là khiển trách. Tuy nhiên, luật sư Cường cho rằng, vị lãnh đạo bệnh viện này nên từ chức trước khi bị kỷ luật để giữ thể diện.
Trong thời gian làm lãnh đạo, ông Tịnh để xảy ra sự việc liên quan đến tội phạm về ma túy, sử dụng cơ sở vật chất của cơ quan để phục vụ hoạt động phạm tội, có gái dịch vụ cùng nhiều đối tượng vào mua bán trái phép chất ma tuý. Đặc biệt hơn, cơ quan điều tra đã thu thập được khối lượng ma túy đặc biệt lớn đến mức có thể áp dụng chế tài cao nhất là tử hình đối với đối tượng vi phạm.
Đối tượng Nguyễn Xuân Quý và số tang vật thu được ngay trong phòng bệnh của hắn tại Khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.
Theo vị luật sư này, trong khi chờ cơ quan chức năng xem xét làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý hành chính hoặc hình sự, thì Bộ Y tế hoàn toàn có thể điều chuyển công tác hoặc tạm đình chỉ dài hạn thay vì quyết định cho ông Vương Văn Tịnh quay trở lại làm việc. Bởi điều đó vừa để phục vụ cho công tác điều tra, vừa đảm bảo tính khách quan cũng như thể hiện thái độ kiên quyết, nghiêm minh của pháp luật đối với những hành vi vi phạm.
Trong trường hợp có đủ căn cứ cho thấy vị lãnh đạo này đã thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng thì hoàn toàn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự (theo quy định của bộ Luật Hình sự năm 2015). Nếu vị lãnh đạo bệnh viện này vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân mà buông lỏng quản lý hoặc tiếp tay cho các đối tượng vi phạm pháp luật thì có thể xem xét xử lý với vai trò đồng phạm hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vị luật sư nhấn mạnh, sau vụ việc gây xôn xao dư luận mà lãnh đạo cơ quan vẫn tại vị thì sẽ làm suy giảm niềm tin của người dân đối với chính quyền và pháp luật. Việc xem xét xử lý kỷ luật phải được thực hiện nhanh chóng, kịp thời. Bên cạnh các phương án xử lý từ cơ quan điều tra thì cơ quan chức năng trong việc quản lý cán bộ, công chức cũng sẽ phải xem xét xử lý kỷ luật cán bộ công chức và xem xét kỷ luật Đảng theo quy định.
Ngày 20/3, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội khám xét khẩn cấp phòng điều trị của đối tượng Nguyễn Xuân Quý tại khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền, thu giữ gần 6kg ma túy thế hệ mới.
Cơ quan điều tra phát hiện, Quý thiết lập phòng “bay lắc” ngay tại nơi điều trị với dàn loa công suất lớn, tường cách âm, rủ thêm người bên ngoài và cán bộ bệnh viện cùng tham gia.
Ngay lập tức, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội ra quyết định khởi tố 5 bị can, trong đó có Nguyễn Anh Vũ, 35 tuổi, là kỹ thuật viên khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền.
Ngày 1/4, Bộ Y tế ra quyết định tạm đình chỉ công tác với ông Vương Văn Tịnh; bác sĩ Đỗ Thị Lưu, Trưởng khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền; điều dưỡng Tạ Thị Thêm, điều dưỡng trưởng khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền để hợp tác điều tra.