Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bé 6 tuổi ở Đồng Tháp mắc hội chứng hiếm gặp chỉ thích ăn tóc

Không chỉ ăn tóc của chính mình, hễ thấy tóc của bất kỳ ai nằm dưới nền nhà, bé gái đều nhặt đưa vào miệng; hậu quả của thời gian ăn tóc kéo dài do hội chứng “công chúa tóc mây” khiến cháu bị suy dinh dưỡng, tắc ruột.

Ngày 28/2, BS Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và can thiệp cho trường hợp cháu bé bị hội chứng “công chúa tóc mây” – hội chứng hiếm gặp dùng để chỉ bệnh tâm lý của những người thích ăn tóc.

Bệnh nhi là bé Phùng Phương Th. (6 tuổi, ngụ tại Đồng Tháp) được gia đình chuyển đến bệnh viện thăm khám trong tình trạng đau bụng triền miên, ăn vào là ói ra. Thông tin từ chị Lê Thị Mai L. (mẹ bệnh nhi) cho hay, bé bị đau bụng kéo dài, gia đình đưa đi khám ở bệnh viện địa phương thì được bác sĩ chẩn đoán bị to lách, nhưng điều trị không thuyên giảm nên phải chuyển đến Nhi Đồng 1.

Sau khi thăm khám, bác sĩ tiến hành siêu âm vùng bụng kiểm tra thì phát hiện khối vật thể bất thường nằm ở dạ dày, kéo dài xuống ruột non. Tìm hiểu bệnh sử, bác sĩ ghi nhận, bệnh nhi có thói quen ăn tóc. Cháu không chỉ tự bứt tóc của mình đưa vào miệng nhai nuốt ngon lành mà còn ăn tóc của bất kỳ ai bị rụng dưới nền nhà.

 Búi tóc khổng lồ được bác sĩ lấy từ đường tiêu hóa của bệnh nhi ra ngoài

Cháu thèm ăn tóc hơn cả ăn cơm và các món ăn hấp dẫn. Lượng tóc tích tụ không thể tiêu hóa quá lớn đã chiếm toàn bộ dạ dày và một phần ruột non khiến hệ tiêu hóa của bệnh nhi không còn chỗ để chứa thức ăn, mỗi khi ăn vào đều bị ói ra. Tình trạng trên kéo dài khiến bé bị suy dinh dưỡng rất nặng, dù đã 6 tuổi nhưng trọng lượng cơ thể bệnh nhi chỉ như đứa trẻ lên 2 (13kg).

Kết luận bệnh nhi bị tắc ruột do búi tóc lớn gây nên của bác sĩ khiến thân nhân giật mình. Người mẹ cho biết, chị thấy con hay ăn tóc, đã nhiều lần ngăn cản nhưng việc ăn tóc của cháu gần như đã trở thành thói quen không thể thiếu mỗi ngày. “Tôi không nghĩ những sợi tóc bé ăn vào lại không thể tiêu hóa”.

Sau hội chẩn, các bác sĩ dự định sẽ lấy búi tóc ra khỏi đường tiêu hóa cho bệnh nhi bằng phương pháp nội soi. Tuy nhiên, do búi tóc đã kết dính vào nhau, tạo thành một khối lớn với đường kính vị trí lớn nhất lên tới 12cm (nằm ở dạ dày), thu nhỏ dần và kéo dài hơn 40cm (ở vùng ruột non) nên ê kíp phẫu thuật buộc phải mổ hở, mở ổ bụng, mở dạ dày để lấy toàn bộ búi tóc cho bệnh nhi.

Sau phẫu thuật bệnh nhi cần được điều trị tâm lý và rất cần sự quan tâm của người thân 

Tiếp nhận 4 ca liên tiếp trong tháng

Sau phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của cháu dần bình phục. Tuy nhiên, theo BS Đào Trung Hiếu, việc phẫu thuật để lấy búi tóc cho bệnh nhi mới chỉ là giải pháp tình thế để xử lý phần ngọn bởi căn nguyên của “hội chứng tóc mây” là bệnh tâm lý ở những người thích ăn tóc. Muốn thoát khỏi nguy cơ tái tắc ruột trở lại thì giải pháp duy nhất là không để trẻ tiếp tục ăn tóc.

Cũng theo BS Đào Trung Hiếu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã từng phẫu thuật cho khoảng 10 ca bệnh tương tự như bé gái trên trong vòng 3 năm qua, chỉ tính riêng trong 1 tháng trở lại đây tiếp nhận tới 4 ca bệnh liên tiếp. Khai thác bệnh sử từ gia đình cho thấy, hầu hết trẻ mắc hội chứng trên đều thiếu sự quan tâm của gia đình. Cụ thể, trong trường hợp này, cha mẹ bé gái làm công nhân, thường xuyên tăng ca nên không có thời gian chăm sóc con. Tuy ở nhà với bà ngoại nhưng người bà cũng bận việc nên cháu thường phải chơi một mình.

Sau khi điều trị chuyên môn, các bệnh nhi đều phải trải qua quá trình điều trị tâm lý. Các bác sĩ sẽ có những giải pháp hỗ trợ để bé bỏ thói quen ăn tóc. Tuy nhiên, bác sĩ cho rằng với những trẻ mắc “hội chứng tóc mây” thì mình bác sĩ là chưa đủ để chấm dứt hoàn toàn thói “ăn bậy” của trẻ. Các bé cần sự quan tâm, hỗ trợ của gia đình và nhà trường để kịp thời ngăn chặn khi bé thèm ăn tóc.

Video: Ăn quá nhiều hồng giòn lúc đói, bị tắc ruột phải nhập viện cấp cứu

Nguồn: Dân Trí

Tin mới