Ngày 5/9, Khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tiếp nhận bé Ngô N.U. (10 tháng tuổi), quê ở Xã Sơn Hải – Huyện Quỳnh Lưu – Nghệ An, thời điểm tiếp nhận, bé U. trong tình trạng thở rít, khò khè, khóc nhỏ và khàn tiếng.
Theo chia sẻ của người nhà, trước đó gia đình không biết cháu bị hóc xương cá, chỉ thấy cháu có biểu hiện khóc khàn tiếng, thở nghe tiếng rít nên cho thăm khám và nhập nhập viện ở một bệnh viện khác. Tại đây, cháu được điều trị với chẩn đoán viêm phế quản, sau 8 ngày bệnh không giảm, bệnh nhi mới được chuyển sang Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để điều trị.
Tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, bệnh nhi được các bác sĩ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng tiến hành nội soi, hội chẩn chuyên môn và đi đến kết luận cháu bé bị dị vật khí quản. Ngay sau đó, bệnh nhi được tiến hành soi cấp cứu gắp dị vật dưới gây mê tĩnh mạch và lấy ra dị vật xương cá dài gần 1 cm trong lòng khí quản.
Xương cá dài gần 1 cm đã nằm trong đường thở của bệnh nhân U. 8 ngày. (Ảnh BVCC)
Dị vật đường thở là một trong những cấp cứu của chuyên ngành Tai - Mũi - Họng, nạn nhân có thể tử vong ngay sau khi hóc dị vật do dị vật to che lấp đường thở hoặc do co thắt đường thở. Đặc biệt là đối với những bệnh nhân nhỏ tuổi, nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn tới tử vong hoặc các biến chứng nguy hiểm.
Bs. Đoàn Nhân Chính – Phó trưởng khoa Tai - Mũi - Họng là trưởng kíp mổ cho biết: “Đây là một ca bệnh khó do bệnh nhân còn rất nhỏ tuổi, người nhà không chứng kiến lúc bệnh nhân bị hóc. Việc khai thác tiền sử khó khăn, do đó yêu cầu bác sỹ cần có chuyên môn và kinh nghiệm lâm sàng để đưa ra chẩn đoán chính xác từ đó có biện pháp xử trí nhanh chóng và chính xác đảm bảo tính mạng cho bệnh nhân”.
Hiện tại, bệnh nhân sau gắp dị vật sức khỏe đã ổn định và đang được điều trị và theo dõi tại khoa Tai - Mũi - Họng.
Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An thông tin thêm, trong thời gian vừa qua đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp hóc dị vật, chủ yếu là những bệnh nhân nhỏ tuổi, hiếu động.
Các bác sỹ khuyến cáo, với những gia đình đang nuôi con nhỏ, cần phải luôn có người trông nom, chú ý đến trẻ, trong thời kỳ ăn dặm cần chú ý thức ăn của trẻ phải được kiểm soát chặt chẽ, không cho trẻ cầm nắm trong tay những đồ vật nhỏ, lọt miệng, đặc biệt không nên cười đùa hay cho trẻ ăn khi đang khóc, để tránh những rủi ro nguy hiểm.
Video: Hướng dẫn sơ cứu trẻ hóc dị vật do đồ ăn ngày Tết
>>> Đọc thêm: Làm gì để sống sót trong một trận động đất?