Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bánh gật gù Quảng Ninh, đã ăn thì phải gật đầu khen ngon

(VTC News) -

Bánh gật gù Tiên Yên, món đặc sản của Quảng Ninh nổi tiếng với sự thơm ngon, được ăn kèm nước chấm lạ miệng đã chinh phục cả những người khó tính nhất.

Đến Tiên Yên (Quảng Ninh), du khách không chỉ được ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà còn được thưởng thức những món ẩm thực đa dạng, hấp dẫn, nổi tiếng như khâu nhục, gà đồi mà đặc biệt là đặc sản bánh gật gù.

Bánh gật gù, món đặc sản của Quảng Ninh nổi tiếng với sự thơm ngon, được ăn kèm nước chấm lạ miệng và quan trong hơn chính là cách chế biến bánh, với những nguyên liệu đơn giản, dễ làm.

Bánh gật gù có gì ngon?

Bánh gật gù nằm trong top những đặc sản nổi tiếng của Quảng Ninh, được chế biến từ người dân Tiên Yên bởi loại gạo đặc trưng trong vùng.

Muốn có được mẻ bánh ngon, người làm bánh phải ngâm gạo qua đêm, chờ cho gạo ráo nước thì đem xay thành bột.

Bánh gật gù nổi tiếng của Quảng Ninh được chế biến bởi loại gạo đặc trưng của vùng Tiên Yên. (Ảnh: Sưu tầm)

Người dân Tiên Yên thường nghiền gạo theo cách truyền thống là nghiền bằng cối đá để hạt gạo được nhuyễn, mịn màng, giữ nguyên hương vị chứ không xay bằng máy.

Đặc biệt, để bánh có độ xốp, dẻo, người làm bánh thường cho thêm cơm nguội. Về quy trình làm bánh, trông có vẻ kỳ công nhưng cũng vì vậy mà bánh gật gù Quảng Ninh lại được nhiều du khách yêu thích.

Làm bánh gật gù chuẩn vị Quảng Ninh

Nguyên liệu: Gồm gạo tẻ, cơm nguội, nước mắm, thịt băm, mỡ gà, hành khô, ớt.

Cách làm: Đơn giản là cho gạo tẻ đã ngâm nước lạnh qua đêm (để ráo) vào cối xay thành bột. Quá trình say, người làm sẽ cho thêm cơm nguội vào đến khi hỗn hợp sệt lại.

Công đoạn tráng bánh đạt chất lượng cũng rất kỳ công. Người làm bánh phải đong đủ lượng bột bánh để không bị đặc quánh hay quá loãng. Đổ một lớp bột bánh dày vừa phải lên khuôn, không đổ mỏng như bánh cuốn cũng không quá dày như bánh đa.

Tráng bột đều thành hình tròn, đậy nắp đợi bánh chín. Lửa đun cũng phải đều tay, không được quá nóng, nếu không bánh sẽ không chín đều và dễ bị rách miếng.

Khi bánh chín nở phồng lên, người dân dùng que nứa, khéo léo xiên từ dưới miếng bánh đưa lên rồi tiếp tục tráng mẻ mới. Khi chưa cuộn, bánh gật gù cũng giống bánh cuốn, bánh phở Hà Nội nhưng không có nhân. Sau khi cuộn tròn đều lại, bánh dẻo quẹo, được đặt lên lớp lá chuối để không bị dính sát vào nhau.

Bánh gật gù Tiên Yên, Quảng Ninh. (Ảnh: Sưu tầm)

Làm nước chấm bánh gật gù chuẩn vị

Nước chấm chính là “linh hồn” của món bánh gật gù và món bánh ngon hay không đều phụ thuộc vào nước chấm.

Đầu tiên, người ta sẽ cho hành khô thái mỏng vào mỡ gà nóng để phi lên, tiếp theo là cho thịt băm vào xào chín, cuối cùng là cho ít nước mắm, chờ cho hỗn hợp sôi nhẹ thì tắt bếp và rắc thêm ít ớt thái lát cùng chút hạt tiêu.

Món ăn kèm với bánh gật gù ngon

Ngày nay, để thưởng thức món bánh gật gù thêm phong phú, người ta có thể ăn kèm với nhiều món khác nhau.

Bánh gật gù ăn cùng khâu nhục: Khâu nhục là món ăn kèm được xem là ngon nhất khi ăn cùng bánh gật gù. Miếng khâu nhục thì mềm tan thêm chút mỡ vàng, màu sắc cùng hương vị đậm đà hòa trộn với nhau khiến thực khách phải gắp liên tục.

Bánh gật gù ăn kèm với chả mực là cách thưởng thức tuyệt vời. (Ảnh: Sưu tầm)

Bánh gật gù với chả mực: Bánh gật gù ăn với chả mực, hai món đặc sản kết hợp cùng nhau thì chính là sự sáng tạo độc đáo. Miếng bánh thì dai mềm, chả mực dai dai sừng sực thêm chút nước chấm đậm vị khó quên.

Miếng bánh nóng hổi vừa được tráng xong còn nghi ngút khói, đem chấm với nước mắm chưng có vị béo ngậy của mỡ gà và thịt, vị cay của ớt, quả thực ai đã ăn thì phải gật đầu khen ngon.

CHÂU THƯ

Tin mới