Philippines ghi nhận tới hơn 4.000 ca nhiễm trong ngày
Philippines hôm 31/7 ghi nhận hơn 4.000 ca mắc COVID-19 trong ngày, đánh dấu ngày thứ 2 liên tiếp nước này báo cáo số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất Đông Nam Á. Philippines có thêm 40 người chết vì COVID-19, nâng tổng số người thiệt mạng vì dịch tại nước này lên 2.023.
Với 93.354 ca bệnh, Philippines hiện là vùng dịch lớn thứ 2 Đông Nam Á sau Indonesia.
Philippines ghi nhận tới hơn 4.000 ca nhiễm trong ngày. (Ảnh: NAR)
Trước tình hình dịch phức tạp như hiện tại, Tổng thống Rodrigo Duterte thông báo gia hạn các biện pháp hạn chế phòng, chống dịch bệnh tại thủ đô Manila cho đến giữa tháng 8.
Nhà lãnh đạo Philippines cũng cam kết sẽ cung cấp miễn phí vaccine cho người dân nếu có vào cuối năm nay, đồng thời người nghèo sẽ là đối tượng được ưu tiên tiêm phòng đầu tiên, sau đó đến tầng lớp trung lưu, lực lượng cảnh sát và quân đội.
Kể từ tháng 6 vừa qua, vùng thủ đô Manila và các tỉnh miền Nam cũng như các thành phố ở miền Trung Philippines đang được áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, theo đó, người cao tuổi và trẻ em đều phải hạn chế đi lại.
Mỹ có gần 25.000 người chết vì dịch trong tháng 7
Theo thống kê, số ca thiệt mạng vì COVID-19 ở Mỹ tăng gần 25.000 trường hợp trong tháng 7. Số ca nhiễm mới cũng tăng gấp đôi (gần 1,8 triệu ca) ở ít nhất 18 bang.
Con số thực tế có thể cao hơn bởi nhiều bang vẫn chưa công bố số liệu.
Với 4,5 triệu ca bệnh và 152.000 người chết, Mỹ hiện vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới.
Các bang có tỷ lệ lây nhiễm tăng mạnh nhất là Florida, California và Texas với trung bình từ 250.000-300.000 trường hợp trong tháng 7. Tỷ lệ lây nhiễm của các bang này tăng gấp đôi so với tháng 6.
Cũng trong tháng 7, 33/50 bang Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục trong một ngày, 19 bang xác nhận số ca thiệt mạng cao nhất trong 1 ngày.
Mỹ hiện vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới. (Ảnh: Reutes)
Các chuyên gia cảnh báo khu vực Trung Tây ở Mỹ có thể trở thành điểm nóng dịch mới ở Mỹ khi mà người dân di chuyển ở khu vực này nhiều vào dịp nghỉ hè.
Thống kê cho thấy GDP của Mỹ đã sụt giảm 32,9% trong quý II do tác động của đại dịch, đánh dấu lần đầu tiên nền kinh tế Mỹ lầm vào tình trạng tồi tệ như vậy kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930.
WHO cảnh báo hệ lụy COVID-19 sẽ kéo dài trong nhiều thập kỷ tới
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 31/7 cho biết tác động của dịch COVID-19 sẽ kéo dài trong nhiều thập kỷ tới.
"Dịch COVID-19 là cuộc khủng hoảng y tế xảy ra một lần trong một thế kỷ nên tác động của nó sẽ được cảm nhận trong nhiều thập kỷ tới", ông Ghebreyesus cho hay.
Ông Ghebreyesus nói rằng dù sự hiểu biết về virus SARS-CoV-2 đã có tiến bộ, song người dân thế giới vẫn dễ bị tổn thương trước đại dịch.
"Phần lớn người dân trên thế giới vẫn dễ bị tổn thương trước loại virus này, thậm chí có những khu vực đã xảy ra dịch bệnh nghiêm trọng. Nhiều nước từng cho rằng đã qua giai đoạn tồi tệ nhất, giờ vẫn phải chật vật đối phó với đợt dịch bùng phát mới. Một số khu vực ít chịu tác động của dịch bệnh trong những tuần đầu dịch bệnh bùng phát, hiện ghi nhận số ca nhiễm và người chết gia tăng", ông cho hay.
Dịch COVID-19 hiện lây lan tới 213 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến 17 triệu người nhiễm bệnh và 670.000 người chết.