Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Băn khoăn thừa, thiếu giáo viên khi chọn môn học: Bộ GD&ĐT lên tiếng

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc lựa chọn môn học, không để xảy ra tình trạng một số môn có quá nhiều hoặc không học sinh nào lựa chọn.

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được công bố, ở cấp THPT, các môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục Thể chất, Giáo dục Quốc phòng và An ninh.

Các môn học được lựa chọn theo nhóm Khoa học Xã hội (gồm Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Lịch sử, Địa lý), nhóm Khoa học Tự nhiên (gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhóm Công nghệ và Nghệ thuật (gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật), Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Nhiều giáo viên và chuyên gia cho rằng khi áp dụng chương trình mới, một số môn sẽ không được học sinh lựa chọn, dẫn đến thầy cô có thể thất nghiệp. Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, khẳng định Bộ GD&ĐT đã lường trước việc này. 

Chọn môn học THPT không phải với mục đích thi cử

- Khi viết chương trình tự chọn môn học THPT, Bộ GD&ĐT có đặt vấn đề học sinh sẽ đổ xô chọn một số môn và từ chối một số môn khác? Điều này kéo theo vấn đề phải giải quyết là giáo viên một số môn quá tải trong khi người dạy môn khác thất nghiệp?

Mục tiêu của chương trình giáo dục trung học phổ thông là giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động.

Học sinh có ý thức và nhân cách công dân, tự học và ý thức học tập suốt đời, có khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học, thích ứng với những đổi thay trong bối cảnh toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp mới.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT. (Ảnh: Moet)

Vì vậy, chương trình xây dựng để học sinh chọn 5 môn từ 3 nhóm môn học trên. Mỗi nhóm học sinh chọn ít nhất một môn học cùng việc chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Đồng thời, chương trình cũng quy định: “Các trường có thể xây dựng tổ hợp môn từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học, vừa bảo đảm phù hợp điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường”.

Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể vấn đề này để không xảy ra tình trạng một số môn hoặc không có học sinh hoặc quá đông học sinh, vượt quá khả năng đáp ứng của trường.

- Chương trình mới đưa ra 6 biện pháp "giảm tải" nhưng dư luận chưa rõ đã có đánh giá kết quả thử nghiệm với học sinh như thế nào để khẳng định đó thực sự là giảm tải hay chỉ cắt xén?

Giảm tải về kiến thức, nhất là kiến thức hàn lâm, để bảo đảm gắn nội dung dạy học với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi phương pháp dạy học tích cực. Đây là yêu cầu bắt buộc của chương trình giáo dục định hướng phát triển năng lực học sinh.

Sự giảm tải của chương trình không chỉ được thể hiện bởi giảm số môn, tiết mà quan trọng hơn là lượng kiến thức trong mỗi môn học, hoạt động giáo dục. Thời gian học sinh ở trường không phải chỉ ngồi học trong lớp. Nhiều môn, hoạt động giáo dục được thực hiện bên ngoài không gian lớp như giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm, chuyên đề học tập.

Về nội dung giáo dục, tuy số tiết dành cho các môn học cơ bản giữ không đổi, lượng kiến thức được tinh giản, gắn với thực tiễn để có thời gian dành cho học sinh học tích cực, tự lực để tiếp nhận và vận dụng kiến thức.

Mỗi chủ đề của môn học đều tính đến thời lượng dành cho học sinh hoạt động trải nghiệm vận dụng kiến thức. Vì vậy, việc thực nghiệm chương trình trong quá trình xây dựng vừa qua là thực nghiệm những điểm mới về nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học.

Đặc biệt, quá trình thực nghiệm khẳng định tính khả thi về phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, bảo đảm cho các em học tích cực, tự lực để tiếp nhận và vận dụng kiến thức. Điều đó mới thực sự là giảm tải để đáp ứng mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

- Khi chưa rõ phương án thi tốt nghiệp, đại học, học sinh vào lớp 10 sẽ chọn môn theo định hướng nghề nghiệp như thế nào? Kỳ thi cũng được tổ chức ra sao khi các địa phương có bộ sách riêng?

Mọi phương án thi đều có 2 vấn đề là nội dung và hình thức tổ chức thi. Trong đó, nội dung thi mới là điều quan trọng nhất và đã được thể hiện rõ trong “yêu cầu cần đạt” của các chủ đề ở tất cả chương trình môn học.

Học sinh tốt nghiệp THCS chọn môn học ở THPT là theo định hướng nghề nghiệp của bản thân. Các em lựa chọn căn cứ sở trường, hứng thú, những hiểu biết của bản thân về nghề nghiệp và nhu cầu thị trường xã hội được trang bị trong chương trình THCS chứ không phải chọn với mục đích thi.

Chính phủ đã có Quyết định số 522/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” đề thực hiện tốt điều trên.

Thực hiện chương trình mới, theo Nghị quyết 88/2014/QH13, có thể một số sách giáo khoa cho mỗi môn học. Các sách giáo khoa đều phải thể hiện đúng mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục của chương trình theo các tiêu chí quy định tại Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT; được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thẩm định mới được Bộ trưởng GD&ĐT phê duyệt, cho phép sử dụng.

Chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều thay đổi so với chương trình cũ. (Ảnh minh họa: L.H)

Dù vậy, việc dạy học và thi phải căn cứ mục tiêu và yêu cầu cần đạt về phát triển phẩm chất và năng lực quy định trong chương trình các môn học. Không có vấn đề gì đối với việc bảo đảm công bằng cho tất cả học sinh.

Tập huấn cho cán bộ quản lý, đặc biệt là hiệu trưởng

- Theo đánh giá của nhiều giáo viên, chương trình bộ môn hay, nhưng đòi hỏi cao ở trình độ, kỹ năng của người dạy. Giáo viên sẽ giảng dạy và tự do sáng tạo như thế nào khi quản lý hành chính vẫn nặng nề?

Việc giao quyền chủ động cho giáo viên và tổ hoặc nhóm chuyên môn xây dựng và thực hiện kế hoạch dạy học để thuận lợi cho áp dụng phương pháp dạy học tích cực đã được Bộ GD&ĐT chỉ đạo từ nhiều năm qua.

Bộ GD&ĐT cũng ban hành chuẩn nghề nghiệp của giáo viên và chuẩn hiệu trưởng mới, trong đó quy định rõ yêu cầu phát huy tính chủ động, sáng tạo của thầy cô.

Trong năm 2019, cùng dự thảo Luật giáo dục (sửa đổi), Bộ GD&ĐT đang xây dựng Nghị định của Chính phủ về quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Nội dung này sẽ quy định cụ thể về cơ chế tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn trong trường phổ thông, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên phát huy tinh thần tự chủ, đổi mới và sáng tạo trong dạy và học.

Bộ GD&ĐT cũng tiếp tục sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định để bảo đảm việc thực thi chương trình mới đạt hiệu quả cao.

-  Sau 5 năm đổi mới giáo dục, ngành đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn không ít hạn chế, chủ yếu ở khâu quản lý cơ sở và địa phương. Thực hiện chương trình mới sẽ có thay đổi ở bộ phận này như thế nào?

Cán bộ quản lý, nhất là hiệu trưởng, có vai trò quyết định trong việc hiện thực hoá chủ trương giảm tải. Vì vậy, trong nhiều năm qua, Bộ GD&ĐT không ngừng chỉ đạo đổi mới tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn trong nhà trường. Cụ thể là giao quyền chủ động cho giáo viên, tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch giáo dục. Kết quả triển khai mấy năm qua là khả quan.

Trong thời gian tới, cùng với việc bồi dưỡng giáo viên, công tác tập huấn cho cán bộ quản lý, đặc biệt là hiệu trưởng được Bộ GD&ĐT đặc biệt coi trọng.

Bộ đang xây dựng các văn bản quy định cụ thể và tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm giải pháp then chốt đã nêu trong Nghị quyết 29/NQ-TW là “Đổi mới cơ chế quản lý giáo dục và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo” được thực thi hiệu quả.

Nguồn: Zing News

Tin mới