Trước đó, thai phụ L.T.K.H. (32 tuổi, ngụ TP.HCM) nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Từ Dũ trong tình trạng đau bụng dữ dội không rõ nguyên nhân, mạch trên 120 lần/phút, dọa sốc.
Phía BV Từ Dũ đã mời BV Bình Dân hội chẩn gấp. Ngay sau đó, người bệnh nhanh chóng được chuyển đến BV Bình Dân để thực hiện các xét nghiệm tiền phẫu. Chẩn đoán ban đầu cho thấy bệnh nhân bị nhiễm trùng ổ bụng.
Ekíp phẫu thuật nội soi thám sát ổ bụng cho người bệnh, phát hiện có nhiều dịch màu đỏ và hình ảnh ruột non đã bị hoại tử tím đen.
Ca phẫu thuật kịp thời giữ lại mạng sống cho hai mẹ con chị H.
Các bác sĩ quyết định chuyển mổ mở ngay lập tức, chạy đua với thời gian để ngăn chặn nguy cơ độc tố do ruột hoại tử phóng thích vào máu gây sốc và tử vong cho cả người mẹ và thai, song song việc kích hoạt báo động đỏ liên viện đến BV Từ Dũ.
Ekip bác sĩ hai BV thuộc các khoa sản, gây mê, hồi sức sơ sinh mau chóng có mặt tại phòng mổ, sẵn sàng hỗ trợ trong trường hợp chị H. sinh non và em bé đối diện với nguy cơ tử vong cao do phổi chưa hoàn chỉnh.
Tiếp cận phẫu trường, các bác sĩ phát hiện trên mạc treo ruột của chị H. có một lỗ tự nhiên khoảng 2cm, một đoạn ruột non đã thoát vị qua lỗ tự nhiên này đang xoắn, hoại tử. Đây là nguyên nhân khiến thai phụ đau đớn dữ dội.
Các bác sĩ đã cắt bỏ 40cm ruột hoại tử, khâu nối để tái lập liên thông tiêu hóa, làm sạch ổ bụng, đặt dẫn lưu và đóng ổ bụng. Ca phẫu thuật diễn ra trong không khí khẩn trương và đòi hỏi mọi thao tác phải cẩn trọng, nhẹ nhàng để tránh tác động nhiều vào tử cung gây dọa sinh non.
Ekip các bác sĩ sản khoa cũng thực hiện siêu âm ngay trong lúc phẫu thuật để theo dõi tình trạng tim thai. May mắn là quá trình phẫu thuật diễn ra thuận lợi, tim thai ổn định. Hậu phẫu một tuần, các nguy cơ như bung vết mổ gây xì rò miệng nối ruột, nhiễm trùng, tắc ruột được loại bỏ, người bệnh xuất viện khỏe mạnh và giữ được thai trong bụng.
Bác sĩ Võ Ngọc Bích, Khoa Tổng quát 2, BV Bình Dân cho biết, phẫu thuật cắt ruột hoại tử ngay cả đối với người bệnh có thể trạng bình thường, không mang thai cũng có nguy cơ rất cao, nhất là khi bệnh nhân bị nhân bị đe dọa sốc hoặc đã vô sốc.
“Việc tiến hành phẫu thuật trên thai phụ có thai nhi 31 tuần tuổi đòi hỏi kinh nghiệm, năng lực và sự phối hợp tốt của toàn bộ ê kíp phẫu thuật vì mỗi thao tác đều có thể ảnh hưởng đến sinh mạng của 2 con người. Thai nhi lớn cũng khiến các thao tác khâu nối ruột và rửa sạch ổ bụng để tránh nhiễm trùng sau mổ khó khăn hơn” – bác sĩ chia sẻ.