Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bắc Ninh thay 3 bí thư thành ủy: Làm giảm lòng tin công tác cán bộ địa phương

(VTC News) -

Việc thành phố Bắc Ninh chỉ trong 3 tháng có tới 3 Bí thư thể hiện công tác cán bộ rất thiếu nghiêm túc, tùy tiện, làm giảm sút lòng tin của người dân.

Sự việc ông Nguyễn Nhân Chinh (36 tuổi), con trai Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh, đúng 15 ngày sau, ông lại được điều chuyển làm Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đang khiến dư luận xôn xao.

Bình luận vấn đề này, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương thẳng thắn cho rằng, việc Bắc Ninh thay 3 bí thư thành ủy trong 3 tháng thể hiện công tác cán bộ rất thiếu nghiêm túc, tùy tiện, làm giảm sút lòng tin của người dân.

- Việc thành phố Bắc Ninh chỉ trong 3 tháng có tới 3 Bí thư khiến dư luận nghĩ rằng công tác cán bộ ở đây rất thiếu nghiêm túc, tuỳ tiện, thưa ông?

Theo tôi là đúng quá rồi. Bởi đối chiếu Chỉ thị 35, công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội ở nơi đây như vậy là không ổn.

Còn cụ thể việc không ổn như nào thì những người có liên quan làm kiểm điểm sẽ rõ.

- Việc này làm giảm sút lòng tin của người dân vào công tác cán bộ...

vu-quoc-hung-.jpg

Công tác cán bộ của Bắc Ninh là chưa nghiêm túc, phải rút kinh nghiệm và tự kiểm điểm với nhau.

Ông Vũ Quốc Hùng, Nguyên PCN UBKT Trung ương

Điều này là đương nhiên, không chỉ dân mà còn cả Đảng viên, nhân viên người ta cũng khó tin tưởng. Chính vì vậy, họ mới nói ra sự bất bình thường trong công tác cán bộ ở nơi đây.

Theo tôi, đây chỉ là tiếng chuông cảnh tỉnh cho các tỉnh, thành khác nên xem lại công tác cán bộ, chứ không phải đợi phát hiện sai phạm mới xử lý.

Đây là bài học kinh nghiệm, phải quán triệt cho kỹ Chỉ thị 35 và bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Nếu làm được như vậy, thì sẽ là cơ bản của cơ bản, then chốt của then chốt.

Bởi vậy có thể thấy, công tác cán bộ của Bắc Ninh là chưa nghiêm túc, phải rút kinh nghiệm và tự kiểm điểm với nhau.

Quan trọng nhất là tự giác cùng nhau rút kinh nghiệm và vì sao lại nên nông nỗi đó. Quy định của Đảng là nguyên tắc tập trung dân chủ, bàn bạc kĩ rồi mới đi đến kết luận. Vậy thì họ đã bàn bạc kĩ chưa, các đồng chí khác trong Thường vụ có biết không, tại sao bầu xong lại phải thay đổi, nếu anh đúng việc gì phải thay đổi, sợ gì áp lực.

Nhưng thay đổi thế này chứng tỏ anh có sai, có sơ hở. Bởi vậy, làm việc tập thể chưa phát huy trí tuệ tập thể, cho nên khi tập trung cũng tập trung sai. Đây là bài học ứng dụng cho nguyên tắc sinh hoạt Đảng.

Qua sự việc này là bài học cho các tỉnh khác đang thực hiện Đại hội và đừng có tái diễn như tỉnh Bắc Ninh.

- Ông thấy cách xử lý vấn đề của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh thế nào, thưa ông?

Bổ nhiệm xong lại thay đổi là việc không bình thường. Vụ việc này nên có giải trình để biết vì sao nên nông nỗi này.

Việc anh chuẩn bị không kĩ cho nên anh mới thấy dư luận, công luận, ý kiến của Ban Tổ chức Trung ương thì anh rút đi là cầu thị.

Trong bối cảnh tâm lý xã hội, trong Chỉ thị 35 về tổ chức Đại hội Đảng các cấp của Tổng Bí Thư có câu nói "đỏ chưa chắc đã là chín", nên nếu đụng đến con của mình thì phải suy nghĩ có ai bằng hoặc hơn con mình không thì mới là công tâm.

Thực tế đang chứng minh trình độ của lãnh đạo các cấp trong việc lựa chọn cán bộ. Đây là bài học rất đáng chú ý, bổ ích cho Đại hội các cấp hiện nay.

Những nơi nào làm thật, thì phải làm đúng như Chỉ thị 35 và phải soi vào từng ý trong bài phát biểu của Tổng Bí thư.

Thực trạng của Đảng thì Tổng Bí thư cũng nói lên rồi và đồng chí cũng dặn dò các cấp ủy phải làm thế nào, đừng múa rìu qua mắt thợ. Đồng chí Tổng Bí thư dùng rất nhiều những từ cổ, rất sâu xa, sâu sắc như lẩy Kiều, dùng thành ngữ… để chứng tỏ, không phải đồng chí ngẫu hứng mà là để cho mọi người dễ hiểu, dễ mường tượng.

Tôi từng trả lời cơ quan báo chí rằng, việc ông Chinh xin không tham gia cấp Thường vụ Tỉnh ủy nữa (thông thường Bí thư Thành ủy là Thường vụ Tỉnh ủy) thì như thế chưa đủ, phải thôi ngay Bí thư Thành ủy mới là cầu thị.

Khi lựa chọn con ông Bí thư Tỉnh ủy làm Bí thư Thành ủy thì cần phải xem lại. Ví dụ như xem lại khi ông Chinh làm Bí thư Tỉnh đoàn đã xuất sắc chưa. Nếu như ông Chinh đủ tiêu chuẩn, tiêu chí thì hỏi tỉnh Bắc Ninh còn ai ngang ông ấy không, có ai hơn ông ấy không? Nếu tỉnh Bắc Ninh không ai bằng anh Chinh thì cần phải có sự chứng minh, nếu như có hai người thì nên để người khác làm việc đó chứ không nên để con lãnh đạo giữ chức.

Tôi cũng đặt câu hỏi tại sao cấp ủy lại nể nang và đồng hành, rồi Ban Tổ chức của Tỉnh ủy đề xuất. Đáng lẽ ra Ban Tổ chức Trung ương phải ngăn cản việc này sớm, nhưng tuy chậm vẫn có ý kiến chỉ đạo, nếu sai thì sửa.

Ông Nguyễn Nhân Chinh (thứ hai từ phải qua) rời ghế Bí thư Thành ủy Bắc Ninh sau 15 ngày.

- Nhưng trước đó Bắc Ninh khẳng định việc bổ nhiệm là “không vướng quy định nào của Đảng”?

Tỉnh Bắc Ninh bổ nhiệm không vướng quy định của Đảng, thì phải đặt câu hỏi với đơn vị này tại sao lại lập luận như vậy. Việc này là không hợp lòng dân nên báo chí mới nêu lên và thay đổi. Bây giờ phải kiểm điểm đã. Theo tôi, việc này là không thận trọng.

Việc bổ nhiệm, điều chuyển tại tỉnh Bắc Ninh để xảy ra sự việc vừa qua thì thứ nhất là người đứng đầu, thứ hai là Thường vụ, thứ ba là tham mưu tổ chức, thứ tư là Ban kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra và còn có thể là Ban Kinh tế nữa.

Hệ thống chính trị của chúng ta đầy đủ tai mắt và bây giờ còn đang tinh gọn thì làm sao các anh lại có thể bỏ qua như thế được. Các anh phải nghe dân, bảo vệ những người dám nói và những người trong cấp ủy phải có dũng khí hơn.

Tôi nhớ đồng chí lãnh đạo Lê Duẩn, Trường Chinh, khi xưa tôi làm Ủy viên kiểm tra không bao giờ thấy các đồng chí lãnh đạo gợi ý về việc bổ nhiệm. Nếu là con hay họ hàng thì việc bổ nhiệm phải hết sức khách quan, bởi vì đó là tâm lí xã hội.

- Vậy các cơ quan Trung ương cũng cần làm rõ về việc bổ nhiệm nhân sự tại Bắc Ninh?

Tôi cũng cho rằng, khi nghe báo chí và người dân phản ánh, thì Ban Tổ chức Trung ương tiếp thu và tôi thấy điều này là được.

Tuy nhiên, cũng phải xem lại quá trình chuẩn bị trước là chưa ổn, chưa nghiên cứu kĩ, chặt chẽ. Như thế này là làm ảnh hưởng đến uy tín của cấp ủy và cơ quan cấp trên giám sát việc này, ảnh hưởng lòng tin của dân.

Các nơi khác phải xem lại đi, Ủy ban kiểm tra Trung ương, Ban tổ chức Trung ương phải xem lại các nơi đại hội vừa rồi thực hiện đúng Chỉ thị chưa và có đưa phần tử cơ hội chính trị vào trong các cấp ủy hay không?

Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương cần làm rõ sự việc vừa qua ở Bắc Ninh như: động cơ nào, xem đã thẳng thắn, công khai, dân chủ, minh bạch chưa.

Thậm chí phải hỏi thêm ý kiến của Ban Tổ chức Trung ương, thậm chí không đợi ý kiến của đơn vị này, thì Ban Tổ chức theo dõi tỉnh cũng phải có phát hiện đối với trường hợp này.

- Thời gian qua, có hiện tượng việc điều động bổ nhiệm hàng loạt cán bộ ở các tỉnh, thành khiến dư luận xôn xao thì lúc đó các cơ quan chức năng ở nơi này mới thay đổi quyết định, thưa ông?

Công tác bổ nhiệm, điều chuyển cán bộ cần phải công khai, dân chủ, minh bạch trong lựa chọn cán bộ và phải lắng nghe, thẩm tra những cán bộ sắp được bầu vào cấp ủy có đủ đức, đủ tài hay không.

Trước tiên phải đọc kĩ hồ sơ, nghiên cứu quá trình và phải hỏi dân. Ví dụ như người được bầu cử trong quá trình học trung học phổ thông có tính nết, học lực như nào, xem có tì vết nào không và nguyên nhân thế nào?

Tất cả điều mà Đảng mong muốn đều có trong các văn bản Trung ương đều khá đầy đủ, tinh tế và chặt chẽ.

Tôi được tham dự nhiều đại hội nhưng Đại hội lần này làm rất chặt chẽ và khoa học. Nhưng tại sao cấp tỉnh vẫn như thế, cho nên giờ phải kiểm tra, thẩm tra lại những nơi đã tổ chức đại hội rồi.

Chủ trương cán bộ là đúng, người lãnh đạo ở các tỉnh chủ chốt thì không phải là người của tỉnh ấy, đây cũng là một giải pháp tốt nhưng phải giám sát chặt chẽ. Giờ quan trọng là phải đúng người, đúng khả năng.

- Việc bổ nhiệm, luân chuyển không qua bầu cử, nhất là việc bổ nhiệm cán bộ trẻ là con, người thân của lãnh đạo đương nhiệm cần phải lưu ý thêm điều gì, thưa ông?

Ban tổ chức Trung ương có tiêu chí hết rồi, cho nên cố gắng tìm hiểu qua Ban Tổ chức Trung ương để chuẩn hóa tiêu chí và mọi người soi xem anh có đủ tiêu chí không.

Muốn nghiên cứu cán bộ trẻ thì phải nghiên cứu từ khi anh ta học từ hồi phổ thông, sống ở khu dân cư thế nào, chứ đừng đánh giá hiện nay của anh ta. Không thể để những người lãnh đạo ép nhồi nhét con mình không đủ năng lực, tương xứng với khả năng, vị trí, đây là sai lầm và phải lên án.

Và khi đó, báo chí và người dân cần phản ánh điều này. Ví dụ như vụ thi cử ở Hà Giang, đáng lẽ ra thường người lãnh đạo phải bắt con rèn luyện nhưng ở đó lại đi xin điểm. Bố mẹ làm lãnh đạo mà chạy điểm cho con thì không xứng đáng làm lãnh đạo.

Muốn tìm hiểu cán bộ thì xác minh họ từ khi họ là còn thanh niên, đó là kinh nghiệm của tôi từng trải qua.

Xin cảm ơn ông!

Nhất Nhất

Tin mới