Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ông Vũ Quốc Hùng: 'Tại sao đồng chí mình sai phạm mà tổ chức Đảng không biết?'

(VTC News) -

“Giám sát là để chủ động nhưng tại sao không giám sát, tại sao đồng chí mình sai phạm mà tổ chức Đảng không biết?", ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đặt câu hỏi.

Từ đầu nhiệm kỳ XII đến nay, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật hơn 420 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái, hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 21 Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng (2 Ủy viên Bộ Chính trị), 22 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Bị cáo Nguyễn Bắc Son - cựu Bộ trưởng TT&TT bị tuyên án tù Chung thân về tội Nhận hối lộ và Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công, liên quan đến sai phạm trong vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG.

Phải xử lý kỷ luật cán bộ là điều đau xót, nhưng không thể không làm, bởi “quân pháp bất vị thân”, mọi cán bộ, đảng viên phải bình đẳng trước kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, không vì thân cận, tình cảm mà bỏ qua sai phạm.

Con số kỷ luật cán bộ cũng cho thấy, sự “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” là một thực tế.

Qua đó cũng thể hiện thái độ quyết tâm, hành động chính trị của Đảng ta nêu cao trách nhiệm với dân, xử lý tất cả những tiêu cực, tham nhũng trong đội ngũ để củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Và sâu xa hơn, đó là yêu cầu, là đòi hỏi tất yếu để giữ cho Đảng trong sạch, vì cuộc sống của nhân dân. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Kỷ luật một vài người để cứu muôn người”.

Nhìn lại con số kỷ luật cán bộ cấp cao thời gian qua, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, nguyên nhân sâu xa được xác định là do một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện, không đủ bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ lợi ích vật chất, sa vào chủ nghĩa cá nhân. Cho nên khi cán bộ được giao quyền lực trong tay mà không được kiểm soát tốt thì dễ dẫn tới suy thoái, hư hỏng, chỉ lo làm lợi cho cá nhân, nhóm của mình mà quên đi bổn phận trước Đảng, trước Nhân dân.

Một nguyên nhân nữa không thể không nói đến đó là tổ chức cơ sở Đảng buông lỏng quản lý, kiểm tra, giám sát, không thực hiện nghiêm nguyên tắc phê bình và tự phê bình, còn nể nang, né tránh, sợ đấu tranh.

Giám sát là để chủ động nhưng tại sao không giám sát, tại sao đồng chí mình sai phạm mà tổ chức Đảng không biết? Có phải vì biết nhưng không dám nói, vì nể nang, né tránh, sợ va chạm, tự phê bình và phê bình còn hình thức”, ông Vũ Quốc Hùng đặt câu hỏi.

Nhắc lại những vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm như vụ Đinh La Thăng, vụ MobiFone mua 95% công ty AVG hay vụ 2 cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vừa được đưa ra xét xử, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định, để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng này là do nguyên tắc tập trung dân chủ trong nội bộ tổ chức Đảng thực hiện còn hình thức, dẫn đến việc cán bộ, đảng viên “thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh”. Vì thiếu dân chủ, thiếu sự đấu tranh khi thấy có dấu hiệu vi phạm nên tổ chức Đảng ở đó mất sức chiến đấu, thậm chí bị tê liệt.

Ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Thực tế chứng minh, nơi nào làm tốt phê bình và tự phê bình, kiểm tra, giám sát chặt chẽ thì nội bộ luôn đoàn kết thống nhất cao, ít xảy ra tiêu cực, khuyết điểm. Do đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng cơ sở cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhất là giám sát việc sử dụng quyền lực của người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu đơn vị. Chú trọng tăng cường giám sát quyền lực, nhất là những cơ quan, đơn vị có vấn đề nổi cộm, có dấu hiệu vi phạm, mất đoàn kết để từ đó kịp thời chấn chỉnh, sửa chữa.

Bản thân cán bộ, đảng viên phải nâng cao ý thức, trách nhiệm, chủ động phê bình, dũng cảm bảo vệ cái đúng, dám nói, dám đấu tranh với cái sai, cái xấu. Cùng với đó, phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên nêu gương, nhất là người đứng đầu để tự soi, tự sửa những khuyết điểm trước khi trở thành những lỗi lầm không thể khắc phục.

Nguyên tắc tổ chức của Đảng ta là mọi đảng viên phải sinh hoạt tại tổ chức Đảng cơ sở và thực hiện các nhiệm vụ của người đảng viên, dù họ là cán bộ cấp cao thì cũng phải sinh hoạt Đảng đều.

Các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng phải được khôi phục lại, nhất là nâng cao chất lượng phê bình và tự phê bình trong nội bộ Đảng. Thực hiện đúng những quy định trong Điều lệ Đảng, cộng với những quy định của Trung ương, các cấp ủy phải “thấm” đến từng đảng viên và tổ chức Đảng thì Đảng ta sẽ trong sạch, vững mạnh”, ông Vũ Quốc Hùng nói và nhấn mạnh cần thực hiện nghiêm việc xử lý, thay thế người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý.

Trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII có nhiều việc cần phải làm. Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, một việc rất quan trọng được nhân dân kỳ vọng đó là, tới đây phải chọn được đội ngũ cấp ủy các cấp là những người có tâm, có tầm và quan trọng là phải có đạo đức thì mới hy vọng tạo bước đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Kim Anh/VOV.VN

Tin mới