Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ông Vũ Quốc Hùng: Có tỉnh thành, mỗi vị Bí thư, Chủ tịch như 'ông vua con'

Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKTTƯ cho biết, ông từng nghe người ta ví von có những địa phương, những tỉnh thành mà mỗi vị Bí thư, mỗi vị Chủ tịch như một “ông vua con”.

Liên quan đến việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng (UBKTTƯ) kết luận hàng loạt sai phạm của hai lãnh đạo ở TP Đà Nẵng, trả lời VTC News, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKTTƯ Đảng nhận xét, vụ việc ở Đà Nẵng sẽ là bài học cho lãnh đạo các địa phương khác.

Video: Những phát ngôn gây chú ý của ông Nguyễn Xuân Anh

- Ông nhận xét gì về kết luận của UBKTTƯ vừa được công bố mới đây về những vi phạm nghiêm trọng của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, trong đó có vi phạm của Bí thư và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng?

Chức năng và nhiệm vụ của UBKTTƯ là kiểm tra, xem xét và đưa ra kết luận mỗi khi có vụ việc được cho là có dấu hiệu sai phạm về phương diện Đảng.

Thời gian qua, UBKTTƯ đã có nhiều kết luận liên quan về tình hình cán bộ đảng viên, tổ chức Đảng ở cả cấp trung ương lẫn địa phương. Tôi cho rằng điều này không có gì bất thường cả. Đó là chuyện rất bình thường của cơ quan này.

 Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực UBKTTƯ Đảng.

Đối với kết luận vừa công bố mới đây của UBKTTƯ về những vi phạm của lãnh đạo TP Đà Nẵng, cụ thể là Bí thư thành ủy Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Thơ, tôi cho rằng là dựa trên những cơ sở thực tế từ việc kiểm tra, xem xét.

Kết luận đưa ra là đúng người, đúng với sai phạm trên cơ sở đã được xem xét kỹ, đúng quy trình.

Đây là việc cần thiết, làm như thế là tốt. Tôi tin kết luận của UBKTTƯ là khách quan, trung thực.

- Sau khi có kết luận của UBKTTƯ thì quy trình xem xét xử lý kỷ luật sẽ thế nào, thưa ông?

Theo thông lệ, muốn xem xét kỷ luật Ủy viên Trung ương Đảng thì phải do Ban chấp hành Trung ương Đảng (BCHTƯ) xem xét.

Nhưng trước đó, để chuẩn bị cho sự xem xét của BCHTƯ thì UBKTTƯ sẽ báo cáo Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Bộ Chính trị và Ban Bí thư sẽ xem xét, nghiên cứu là cần phải đưa ra BCHTƯ với nội dung và hình thức thế nào.

Tức là trước đó cần phải có báo cáo trước, mà kết luận của UBKTTƯ là cơ cở chính, có vai trò rất quan trọng đến quy trình xem xét kỷ luật sau này.

Khi báo cáo ra BCHTƯ thì đó là báo cáo của Bộ Chính trị, trên cơ sở báo cáo, kết quả kiểm tra, xác minh của UBKTTƯ. Đến lúc đó, sẽ tiến hành bỏ phiếu để quyết định hình thức kỷ luật.

Còn đối với vị trí Chủ tịch tỉnh/thành phố, theo tôi được biết đây là vị trí nhân sự thuộc diện Bộ Chính trị quản lý, nên Bộ Chính trị có quyền bỏ phiếu để lựa chọn hình thức kỷ luật thôi, không cần trình ra BCHTƯ.

- Dư luận trong thời gian qua đã nói nhiều đến tình trạng “cục bộ” diễn ra ở các địa phương, thậm chí có người còn nói công khai trên báo chí đó là tình trạng “cát cứ của những sứ quân”. Việc tăng cường kỷ luật có giảm được tình trạng này không hay cần một cơ chế, giải pháp nào khác?

Căn bệnh cục bộ địa phương rất phổ biến trong hiện nay. Đó là một thực tế mà ai cũng thấy. Tôi còn nghe người ta ví von có những địa phương, những tỉnh thành mà mỗi vị Bí thư, mỗi vị Chủ tịch như một “ông vua con”. Đó là thực tế đấy, không phải người ta nhận xét mà không có cơ sở đâu.

 

Tôi còn nghe người ta ví von có những địa phương, những tỉnh thành mà mỗi vị Bí thư, mỗi vị Chủ tịch như một “ông vua con”.

Vũ Quốc Hùng

Đó là sự xuất hiện của chủ nghĩa cá nhân. Cá nhân chủ nghĩa thì sẽ sinh ra bệnh địa phương cục bộ. Nó là một thứ bệnh âm ỉ từ lâu và bùng phát lên trong thời gian qua. Mà trên thực tế thì Đảng cũng đã phải kỷ luật rất nhiều trường hợp rồi.

Kỷ luật nghiêm khắc cũng là một cách để Đảng hạn chế rồi tiến đến xóa bỏ tình trạng này.

- Ông có cho rằng vụ việc ở Đà Nẵng sẽ là một bài học cho các địa phương khác?

Theo tôi, câu chuyện Đà Nẵng không phải là câu chuyện địa phương cục bộ, mà ở đây là nội bộ của chính những người lãnh đạo TP Đà Nẵng có vấn đề.

Còn ở các địa phương khác thì do quá trình chúng ta chuẩn bị công tác cán bộ không đầy đủ nên có những lúc, những nơi đã xảy ra những thiếu sót. Có những cán bộ kém năng lực, không đủ tư cách nhưng vẫn được cơ cấu để làm lãnh đạo.

Trong quá trình hoạt động công tác ở UBKTTƯ, tôi thấy có những chuyện như thế. Tức là có chuyện có những địa phương mà lãnh đạo mất đoàn kết, mâu thuẫn nội bộ đến mức gay gắt với nhau.

Từ mâu thuẫn nội bộ đó mới nảy sinh ra nhiều sai phạm như vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm nguyên tắc sinh hoạt Đảng, rồi sai phạm trong tổ chức cán bộ, thậm chí còn trù dập cán bộ, bên cạnh đó có những cán bộ tha hóa đạo đức, lối sống...

Trước những sự việc trên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải vào cuộc trực tiếp kiểm tra, xác minh, rồi đi đến kết luận. Việc làm này là việc làm thường xuyên của Đảng.

Cũng vì tầm quan trọng như thế mà Đảng mới phải lập ra UBKTTƯ bên cạnh Ban Nội chính Trung ương.

Tất nhiên, từ câu chuyện của lãnh đạo TP Đà Nẵng, cũng sẽ là bài học cho lãnh đạo những địa phương khác cần tránh mắc phải những vi phạm như vậy.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Lưu Thủy

Tin mới