Để có được cuộc trò chuyện trực tiếp (dù chỉ là qua điện thoại) với Anna Trương quả thực không đơn giản. Cô con gái của nhạc sĩ Anh Quân và ca sĩ Mỹ Linh luôn bận rộn với công việc tại một trong những phòng thu lớn ở Mỹ. Cô thừa nhận, mỗi ngày làm việc của cô luôn kéo dài từ 10 tới 12 tiếng.
Tuy vậy, cuộc nói chuyện với Anna Trương lại diễn ra rất thoải mái. Trái ngược với tâm lý của một số du học sinh, luôn cảm thấy tự ti và khó khăn khi hòa nhập với cuộc sống mới, cô gái trẻ lại luôn háo hức khi nói về cuộc sống trên đất Mỹ - kể từ ngày cô mới đặt chân đến lần đầu tiên, học tập tại trường đại học danh tiếng và giờ là làm việc trong ngành công nghiệp âm nhạc khắc nghiệt bậc nhất trên thế giới. Dường như với Anna, không có cái gọi là khó khăn mà chỉ có những cơ hội để thử thách bản thân và để vươn lên.
'Lúc nào tôi cũng thấy như đang trong một cuộc đua'
- 19 tuổi chị sang Mỹ du học. Ngôi trường mà chị chọn là Berklee College of Music - 1 trong 4 học viện âm nhạc được đánh giá cao nhất trên thế giới hiện nay. Ở Việt Nam mới chỉ có một vài nghệ sĩ chọn theo học khi đã thành dành và muốn mở rộng kiến thức của mình. Vậy thời điểm mới nhập học, chị có gặp những khó khăn gì?
Khi còn sống với bố mẹ, tôi được nghe rất nhiều các thể loại âm nhạc khác nhau, cũng được làm quen với nhiều kiến thức âm nhạc. Tuy nhiên, khi vào học tại trường, vẫn có những thứ kiến thức chuyên sâu khiến tôi rất bỡ ngỡ.
Tuy nhiên, tôi không thấy mình bị ngợp hay sợ hãi. Ngược lại, tôi thấy rất thích thú. Có rất nhiều thứ để tôi học hỏi. Tôi tập trung nạp kiến thức từ thày cô, bạn bè xung quanh. Tôi hạnh phúc khi được sống ở một môi trường toàn những người yêu nhạc, yêu nghệ thuật giống mình.
Sang đây, tôi giống như "cá gặp nước". Vì thế, tôi không nhìn thấy những khó khăn, chỉ nhìn thấy cơ hội để mình học hỏi từng ngày.
Chỉ có điều, tôi cũng giống như rất nhiều bạn đi học xa, rời gia đình để theo đuổi ước mơ đều cảm thấy rất nhớ nhà. Có những cái khi ở cùng bố mẹ, các em tôi thấy rất bình thường nhưng khi đi xa lại nhớ quay quắt.
Tôi may mắn khi bố mẹ luôn ủng hộ con cái theo đuổi ước mơ của riêng mình. Bố mẹ tôi không bao giờ yêu cầu con phải trở về nhà. Ngược lại, họ luôn khuyến khích tôi theo đuổi niềm đam mê của mình.
Anna Trương làm việc trong phòng thu tại Los Angeles (Mỹ).
- Sau khi tốt nghiệp trường Berklee, chị liền được nhận vào làm việc tại một trong những phòng thu uy tín ở Mỹ. Làm thế nào để chị có được công việc mà rất nhiều người mơ ước?
Sau khi tốt nghiệp trường đại học Berklee ở Boston (Mỹ), tôi chuyển qua Los Angeles để tìm kiếm cơ hội trong ngành giải trí.
Giống như nhiều bạn sinh viên mới ra trường khác, tôi gửi hồ sơ xin việc của mình tới các công ty mà mình mong muốn được làm việc. Rồi tôi được phòng thu Igloo Music gọi tới phỏng vấn, thử việc. Sau hai tuần làm việc với tư cách thực tập viên, tôi được nhận vào làm chính thức.
Hiện tại tôi đang làm kỹ sư âm thanh tại Igloo Music tại Los Angeles. Phòng thu này từng đoạt được tổng cộng 24 giải Grammy.
Như năm 2018 vừa rồi, chúng tôi làm những dự án như: A Star Is Born, Deadpool 2, Wreck it ralph 2, Mary Poppins Returns, Smallfoot, phim ngắn Bao của hãng Pixar và nhiều đĩa nhạc, live concert…
Tôi rất hạnh phúc khi được làm việc với những đồng nghiệp giỏi. Ông chủ của phòng thu Igloo Music có thời gian làm việc là 40 năm trong ngành công nghiệp âm nhạc. Những người này truyền cho tôi rất nhiều cảm hứng. Họ có rất nhiều thứ khiến tôi muốn học hỏi. Mỗi ngày, tôi luôn tự nhủ mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để có thể đạt được những thành tựu trong công việc.
Lúc nào tôi cũng thấy mình như đang trong một cuộc đua, chỉ cần lơ là chút là bị tụt lại phía sau. Tôi thấy mình may mắn khi được "chạy" cùng những người giỏi, làm bạn với họ và học hỏi họ.
Ganh tỵ ở đâu cũng có, không chỉ ở Việt Nam hay Mỹ, quan trọng là thái độ của mình với điều đó thế nào.
Anna Trương
Còn ganh tỵ thì dĩ nhiên ở đâu cũng có, không phải là chỉ ở Việt Nam hay ở Mỹ. Quan trọng là thái độ của mình đối với điều đó như thế nào.
Tôi không để tâm nhiều tới những việc đó mà chỉ tập trung vào việc mình đang có những đồng nghiệp rất tốt. Mọi người gần như là "fan" của nhau. Mỗi khi ai đó hoàn thành sản phẩm, mọi người đều khen ngợi và động viên rất nhiều.
Thực sự từ trước đến giờ tôi cũng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ được làm dự án cho cãng hãng như Disney hay Warner Brothers.
Tôi làm ở đây khoảng 5 ngày/tuần. Mỗi ngày làm việc của tôi kéo dài từ 10 - 12 tiếng. Thời gian rảnh tôi dùng để tập guitar và sản xuất nhạc cho dự án solo mới của mình dưới tên Anna Malee.
Mỗi ngày, Anna Trương làm việc từ 10 - 12 tiếng tại phòng thu.
- Mỗi ngày làm việc từ 10 - 12 tiếng, kéo dài trong 5 ngày/tuần. Áp lực công việc và thời gian kéo dài như thế có khiến chị bị stress?
Thời gian đầu chắc chắn là có. Người làm nghề kỹ sư âm thanh thường ngồi tước máy tính và loa, không được hoạt động nhiều nên đôi khi rất mệt mỏi, nhất là khi lượng công việc vào phòng thu rất lớn. Đến bây giờ, khi trải qua 1 năm làm việc, thỉnh thoảng tôi vẫn gặp chút stress nhưng tôi nhanh chóng tìm cách lấy lại thăng bằng.
Khi nào mệt mỏi quá, tôi thường về nhà, không làm gì trong vài tiếng đồng hồ trước khi đi ngủ. Tôi cũng tập thiền để cho đầu óc được nghỉ ngơi.
Ngoài ra, tôi còn tập thể dục, chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Tôi cũng tập chơi đàn guitar, tiếp tục công việc sáng tác.
Trong một năm qua, tôi chủ yếu tập trung vào công việc trong phòng thu. Hiện tại, tôi đang cố gắng cân bằng công việc này với việc sáng tác, phát triển các dự án âm nhạc của cá nhân.
- Là con của Anh Quân và Mỹ Linh, chị có nghĩ nếu về Việt Nam, chị sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn trong sự nghiệp không, sẽ không phải vất vả nhiều như khi ở lại Mỹ làm việc?
Chắc chắn nếu làm việc ở Việt Nam, tôi sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn, nhưng tôi nghĩ trong thời điểm hiện tại tôi đang muốn được thử thách mình và học hỏi nhiều hơn. Tôi nghĩ cứ phải đối mặt với cái khó nhiều thì mình mới tốt lên được.
Tôi chọn tiếp tục làm việc bên Mỹ vì tôi đã phát triển được nhiều mối quan hệ bên này, và tôi cũng thấy mình hợp với môi trường bên này.
Tuy nhiên, tôi nghĩ càng về sau việc đi lại sẽ càng dễ dàng hơn, tôi sẽ quay lại Việt Nam để làm các dự án. Tôi thấy bây giờ có rất nhiều các bạn rất giỏi, về sau tôi cũng muốn được sản xuất và cộng tác với nhiều tài năng trẻ ở Việt Nam.
Tôi đã tìm thấy con đường của riêng mình
- Khi còn nhỏ, chị từng lên sân khấu biểu diễn với mẹ. Chị cũng từng ra album riêng. Lý do gì khiến chị chọn con đường là nhà sản xuất thay vì làm ca sĩ?
Tôi nghĩ đây là cách tốt nhất để học về sáng tác và sản xuất một cách kỹ lưỡng. Chính vì muốn đi sâu vào mảng sản xuất nên tôi chọn ngành học Music Production and Engineering, Sản xuất Âm Nhạc và Kỹ sư Âm thanh. Nhưng tôi vẫn rất thích hát nên tôi vẫn dành thời gian để tự sản xuất nhạc cho mình. Tôi rất thích tự sản xuất (thu thanh và mix nhạc của mình).
- Chị có thấy, làm nghệ sĩ ở Việt Nam quá vất vả không, giống như bố mẹ chị chẳng hạn?
Tôi thấy làm nghệ sĩ ở đâu cũng vất vả. Nhất là vì bây giờ DIY (do it yourself) artist rất nhiều, càng ngày càng có nhiều nhạc trên mạng nên cũng khó để mình nổi bật. Tôi cũng có rất nhiều bạn làm nghệ sĩ và ai cũng phải làm thêm để trang trải cuộc sống.
Cái hay ở bên Mỹ là vẫn có nhiều người trả tiền đi xem ca nhạc và họ cũng trả tiền để nghe nhạc online. Điều này cũng giúp người nghệ sĩ rất nhiều.
Tôi mong là ở Việt Nam các bạn trẻ sẽ có nhiều ý thức nghe nhạc hơn. Nếu bạn yêu quý một người nghệ sĩ nào đó hay đi xem show và mua nhạc của họ.
- Khi chị còn ở Việt Nam, rất nhiều người cho rằng, chị không có khả năng ca hát. Giờ đây, chị nói gì về những nhận xét này?
Trước đây khi còn “bé con” tôi cũng tin vào những lời nói đó và cảm thấy rất tự ti. Còn bây giờ thì tôi không quan tâm đến những lời nói đó nữa vì tôi đã tìm thấy con đường của riêng mình.
Tôi tự tin hơn rất nhiều và tôi tìm thấy những người luôn ủng hộ tôi và yêu giọng hát của tôi. Và tôi cũng nhận ra rằng mình không thể làm tất cả mọi người hài lòng được. Tất cả mọi người đều có "khẩu vị" riêng của mình.
- Ở thời điểm chị bị mọi người chê về khả năng ca hát nhưng bố chị - nhạc sĩ Anh Quân luôn khẳng định, chị là người có năng lực và đặt nhiều niềm tin vào chị. Sự ủng hộ của bố có ý nghĩa như thế nào đối với chị?
Càng lớn tôi càng nhận ra sự ủng hộ đó quan trong đến thế nào. Đã có bao nhiêu cuộc nói chuyện giữa bố mẹ tôi và tôi, họ đã luôn luôn ủng hộ và động viên tôi. Chính vì bố và mẹ tôi chưa bao giờ nghi ngờ và thôi ủng hộ tôi nên tôi mới có ngày hôm nay.
- Anna được bố Anh Quân và mẹ Mỹ Linh nuôi dưỡng, nhưng mẹ ruột của chị là người Đức. Chị thấy mình chịu ảnh hưởng của nền văn hóa nào hơn?
Tôi thấy mình may mắn vì trưởng thành trong hai nền văn hóa rất khác biệt. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình mang tâm hồn Việt nhiều hơn vì đây là nơi tôi lớn lên.
Cái tôi yêu nhất ở Việt Nam có lẽ là văn hoá gia đình, cách các con chăm lo cho ông bà hay là bố mẹ già. Vì bên phương Tây tôi rất hay thấy người già thường phải ở một mình hoặc vào trại dưỡng lão.
Điều tôi không thích có lẽ là khi mọi người gặp mặt hỏi thăm nhau thì câu đầu tiên bao giờ cũng là: “Dạo này béo nhỉ" hay "Dạo này gầy nhỉ”. Hoặc tôi cũng hay thấy những bài viết chỉ để “fat-shame” một ai đó, nghĩa là cả một bài viết chỉ về cân nặng của một ai đó, và phụ nữ hay bị đặt lên bàn cân hơn. Tôi nghĩ không nên chú ý quá nhiều về bề ngoài như vậy vì còn nhiều thứ hay ho hơn.
- Chị có thích ngày tết âm lịch không? Những ngày đó có ý nghĩa như thế nào đối với chị?
Tôi rất yêu ngày Tết âm lịch. Những ngày đó, bố mẹ tôi không phải đi làm, chúng tôi được nghỉ học, cả nhà quây quần bên nhau. Ba chị em tôi thường giúp bà nội gọi bánh chưng. Bố mẹ tôi thì dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Không khí trong gia đình rất đầm ấm và vui vẻ.
- Theo chị, điểm yếu của người Việt khi ra nước ngoài sống, học tập và lập nghiệp là gì?
Điểm yếu nhất có lẽ là ngôn ngữ vì khi không giỏi ngôn ngữ, mọi người sẽ ngại giao tiếp với những người nước ngoài. Tôi nghĩ cứ phải tự tin giao tiếp với những người nước ngoài chứ đừng nên chỉ giao tiếp với các bạn Việt Nam khác.
- Mục đích lớn nhất của chị khi sang Mỹ lập nghiệp? Và chị đặt ra cho mình mục tiêu gì trong sự nghiệp.
Mục đích lớn nhất của tôi đó là học hỏi cách làm việc ở bên này để tôi có thể áp dụng nó cho công việc của mình. Tôi cũng muốn xây dựng được những mối quan hệ tốt để càng về sau tôi càng có thể tìm kiếm cơ hội cho các bạn trẻ Việt Nam cộng tác làm nhạc với những người bạn tôi bên này.
Còn mục tiêu của tôi chỉ đơn giản được làm điều mình thích, đó là sản xuất, mix, làm nhạc chứ tôi không đặt ra điều gì lớn lao cả. Tôi tin rằng nếu tôi làm vì tôi yêu công việc đó thì tất cả mọi thứ khác sẽ đến thôi.
- Chị đang rất tập trung vào công việc, vậy thời gian nào chị dành cho chuyện tình cảm cá nhân?
Tôi vẫn có chứ. Tôi làm việc có 10 - 12 tiếng nhưng một ngày có 24 tiếng cơ mà. Đó là chưa kể những ngày cuối tuần và những kỳ nghỉ nữa.
Tuy nhiên, tôi có nguyên tắc là không bao giờ chia sẻ cuộc sống riêng và chuyện tình cảm trên báo chí. Chắc có lẽ khi nào tôi lấy chồng, mọi người mới biết người tôi yêu là ai (cười).
Cảm ơn chị về buổi trò chuyện!
Nói về con gái, nhạc sĩ Anh Quân cho hay: Khi mới sang Mỹ, giống như nhiều du học sinh khác, Anna sẽ gặp không ít khó khăn, từ những việc nhỏ nhất như đồ ăn. Anna không hợp đồ ăn bên đó vì cháu chỉ thích ăn đồ Việt Nam. Trong quá trình học, cháu cũng phải đi làm thêm để trang trải của cuộc sống.
Tuy nhiên, Anna rất ít khi nói về những khó khăn. Nếu có, cháu cũng chỉ nói qua loa chứ không để cho bố mẹ phải lo lắng. Anna luôn cố gắng tự mình giải quyết những vấn đề trong cuộc sống.
Trong công việc, Anna luôn cố gắng để học hỏi được nhiều nhất. Cháu luôn nỗ lực vì hiểu rằng, ở môi trường âm nhạc khắc nghiệt như nước Mỹ, nơi mà các nhân tài luôn tìm cách đổ xô về nếu không có khả năng sẽ lập tức bị đào thải.
Ca sĩ Mỹ Linh: Ngay từ khi Anna còn rất nhỏ, bố Anna đã có ý thức dạy cho cháu văn hóa của người Việt. Khi 3 tuổi, cháu về sống cùng tôi - một phụ nữ rất thuần Việt, vì thế, dù có một nửa dòng máu Đức nhưng Anna còn thuần Việt hơn rất nhiều bạn trẻ khác, từ cách ăn nói cho tới cách ứng xử.
Tôi là người rất lạc quan. Dù trong ngày có bao nhiêu chuyện xảy ra, phải giải quyết bao nhiêu rắc rối nhưng khi trở về nhà, nhìn thấy các con bao giờ tôi cũng nở một nụ cười thật tươi, ôm chúng vào lòng. Anna cũng chịu ảnh hưởng nhiều từ tính cách này của mẹ. Cháu luôn nhìn thấy khía cạnh tích cực trong mọi vấn đề.
Anna ít khi than phiền về những khó khăn mà cháu gặp phải. Cháu chỉ kể về chúng với bố mẹ khi đã vượt qua nó. Anna cẩn trọng, làm cái gì cũng suy nghĩ chín chắn. Chính vì thế, khi cháu đi du học hay bây giờ là làm việc tại Mỹ, vợ chồng tôi rất an tâm.