Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ảnh: Theo chân gánh hát bội độc đáo còn sót lại ở phố cổ Hội An

Đằng sau ánh đèn sân khấu, họ lui về với cuộc sống thường nhật, sắt son một lòng giữ bằng được gánh hát bội độc đáo còn sót lại ở phố cổ Hội An.

Nơi hạ nguồn sông Thu êm đềm mặt nước đổ ra cửa biển, mảnh đất Nam Diêu (phường Thanh Hà) được mệnh danh là cái nôi nuôi dưỡng nghệ thuật hát bội (tuồng) ở TP Hội An (tỉnh Quảng Nam). Và ở ngôi làng nằm vắt mình bên triền con sóng ấy ngày ngày vẫn ngân vang các làn điệu hát bội một thời ăn sâu vào tâm thức người dân xứ Quảng. 

Đêm 14 âm lịch. Tiếng hát nỉ non như ai sầu, ai oán, lúc trầm, lúc bổng réo rắt vang lên giữa lòng đô thị cổ. Như một lực hút vô hình, những cung đàn, điệu nhạc lại đưa đường dẫn lối lữ khách tản bộ thưởng ngoạn cảnh sắc phố Hội, để rồi níu chân du khách tại không gian trình diễn tuồng bên mép chùa Cầu. 

Những anh kép, chị đào không ai khác chính là các diễn viên sinh ra và lớn lên ở làng tuồng Nam Diêu một thời trứ danh trong vùng. Hết thảy đều có thâm niên hàng chục năm trời đứng trên sân khấu tuồng Hội An, mang sứ mệnh trình diễn phục vụ du khách.  

 Và trong đoàn tuồng duy nhất ở phố cổ hiện nay, ông Lê Phú Hải (68 tuổi, trưởng đoàn) chính là người đã có công vực dậy nghề hát tuồng vốn đã bị mai một và đứng trước bờ vực của thất truyền. 

Nhắc đến thời kỳ hoàng kim của làng Nam Diêu, ông Hải kể: “Hồi chiến tranh hay những năm đầu sau giải phóng, nhắc đến nhóm tuồng Nam Diêu là bà con trong vùng hầu như ai cũng biết. Gánh tuồng đi đến đâu, người dân hồ hởi đón xem đến đó. Từ sân khấu lớn cho đến các sân đình, làng…, diễn viên tuồng xuất thân từ làng Nam Diêu cũng góp mặt và để lại tiếng tăm, dấu ấn đậm nét trong lòng khán thính giả mê loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của dân tộc”. 

Và sự hưng thịnh của làng tuồng Nam Diêu chỉ kéo dài đến độ những năm đầu thập niên 80 của thế kỉ trước. Lúc này, lớp lớp thế hệ từ già đến trẻ trong làng rời bỏ nghiệp hát tuồng ông cha bao đời truyền lại.  

 Giữa năm 2002, khi nghe chính quyền địa phương có chủ trương đưa nghệ thuật tuồng vào biểu diễn phục vụ du khách, ông Hải tức tốc khăn gói từ TP.HCM về quê sau cả chục năm bôn ba. 

Cùng với vợ mình là bà Hồ Thị Ánh Hoa (trái), ông Hải quyết tâm phục dựng lại gánh tuồng Nam Diêu vang danh thuở nào.

 Và ở không gian trú ngụ của hai vợ chồng suốt hàng chục năm tận tụy với nghệ thuật tuồng, ngày ngày vẫn vang vọng tiếng người lớn tập bộ (động tác vũ đạo – PV), thi thoảng tiếng con trẻ ngọng nghịu cất lời “ư, ử” (điệu thán, khó nhất trong 4 làn điệu). 

 Hình ảnh thầy Hải, cô Hoa…không quản công tiếc sức, ân cần dạy dỗ thế hệ trẻ hôm nay kế nghiệp tuồng đã trở nên rất đỗi thân quen với bà con làng Nam Diêu. 

Hơn 1 năm qua, các em nhỏ này đã dấn thân vào con đường hát tuồng do vợ chồng ông Hải truyền dạy 

Chọn theo nghề cũng đồng nghĩa những lớp phấn son dày cộm sẽ thường xuyên được phủ lên da mặt của các em.

 

Chứng kiến những thế hệ măng non sẵn sàng kế cận nghệ thuật tuồng do mình truyền dạy, vợ chồng ông Hải dường như đã trút bỏ mối lo gánh tuồng Nam Diêu không còn ai nối nghiệp. 

Đặc biệt, một trong số các tài năng nhí hứa hẹn của làng tuồng Nam Diêu trong tương lai chính là cô con gái của hai vợ chồng đã làm sống lại nghệ thuật tuồng ở Hội An.  Lê Hồ Hoàng Yến (14 tuổi, bên phải)) đang trên đường trở thành một diễn viên tuồng chuyên nghiệp và đã có thể sẵn sàng sắm vai thay thế nếu một trong số các diễn viên ít ỏi trong đoàn khàn tiếng.  

Những vở tuồng được ví như bài học vỡ lòng: “Hạ sơn”, “Kim Liên tiễn mẹ”…giờ đây đã được Yến hay một số bạn nhỏ khác trình diễn một cách thuần thục.  

Và đêm đêm, các em cũng đang góp sức mình cùng với gánh tuồng Nam Diêu níu chân du khách tại không gian sân khấu đô thị cổ hàng trăm năm tuổi.

THANH BA - NAM TRẦN

Tin mới