8h30p sáng 17/12, rất đông bệnh nhân có mặt tại sảnh chờ lấy số khám bệnh của Bệnh viện Thanh Nhàn.
Quầy hướng dẫn lấy số bệnh nhân xếp thành hàng, chờ tới lượt.
Cả gia đình anh Lại Công Hoan trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội phải vào viện. Anh Hoan cho biết, mấy ngày qua anh và vợ ho nhiều, trong khi 2 con trai đều thấy khó thở, sốt cao 38 - 39,5 độ C liên tục. Lo lắng cho sức khỏe gia đình, anh đưa tất cả mọi người đi kiểm tra.
Ngoài sảnh chờ khoa Nhi - Bệnh viện Thanh Nhàn có rất đông phụ huynh đưa con đi khám với triệu chứng chung là khó thở, ho.
Sổ khám bệnh xếp thành từng chồng. Các y bác sĩ những ngày này cũng tăng ca liên tục.
Một bệnh nhi khóc vì sợ tiêm khiến phụ huynh xót ruột, lo lắng. Nhiều em nhỏ phải tiêm kháng sinh để điều trị dứt điểm bệnh.
Người lớn, trẻ nhỏ, cùng đưa nhau nhập viện. Người nhẹ thì bị ho, viêm phế quản, nặng thì có thể khó thở, viêm phổi.
Theo bác sĩ CKII Phạm Thị Như Hoa - khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, do chuyển mùa và ô nhiễm không khí nên cao điểm khoa tiếp nhận lên tới 200 bệnh nhi/ngày, gần gấp 3 lần so với ngày thường.
Lượng bệnh nhân nội trú cũng tăng cao. Trong đó, đa phần các trẻ đều nhập viện trong tình trạng ho, khó thở, sốt cao. Kết quả thăm khám, nhiều bé bị viêm phế quản, thậm chí viêm phổi hoặc nhiễm virus cúm.
Tại khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Thanh Nhàn cũng trong tình trạng tương tự. BS CKII Đoàn Thị Anh Đào, Phó Khoa Nội tổng hợp, cũng cho biết, do ảnh hưởng ô nhiễm không khí và thời tiết, thời gian qua, lượng bệnh nhân nhập viện có lúc tăng tới 20 - 30% so với trước. Các triệu chứng là người bệnh bị sốt, đau ngực, khó thở và ho.
Tại Bệnh viện Phổi Trung ương, theo BS CKII Nguyễn Ngọc Hồng, Trưởng khoa Bệnh Phổi nghề nghiệp, số lượng bệnh nhân nhập viện trong khoảng một tháng trở lại đây có tăng. Tuy không có nhiều đột biến nhưng lại có rất nhiều ca bệnh nặng, thậm chí viêm phổi, phải cấp cứu.
Một số người phải nhờ tới trợ giúp của thiết bị mới thở được dễ dàng. Người già và nhóm người mắc bệnh hô hấp mãn tính là "khổ" nhất vào thời điểm này.
Ngoài hành lang, gần giờ trưa nhiều người vẫn chờ tới lượt khám.
Một bệnh nhân đang được chăm sóc bởi các y bác sĩ.
Đợt ô nhiễm không khí tại Hà Nội bắt đầu từ 8/12, khi chỉ số chất lượng không khí liên tục duy trì ở ngưỡng tím – rất xấu (AQI >200). Tiêu biểu là các khu vực Thành Công, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Cừ…
Đặc biệt, theo thống kê của ứng dụng Airvisual, có những thời điểm ngày 14/12, AQI một số khu vực tại Hà Nội vượt ngưỡng tím lên nâu – nguy hại (AQI>300), bao gồm: Hồ Tây, 412, Sài Đồng (Long Biên) 357, Tô Ngọc Vân 359.
Ứng dụng PAMair cũng đưa ra bảng đo chất lượng không khí của Hà Nội “dày đặc” màu tím với ngưỡng rất xấu.
Nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân, ngày 14/12 vừa qua, Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng đưa ra những khuyến cáo. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, Hà Nội vẫn chưa có bất cứ phát ngôn nào để hướng dẫn, cảnh báo cho người dân để họ ổn định đời sống, sức khỏe.
Theo các chuyên gia, mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội có xu hướng ngày càng phức tạp. Do vậy, thành phố nên đưa ra nhiều biện pháp khẩn cấp để cải thiện tình trạng này. Thời gian tới, nếu thời tiết thay đổi, có mưa, tình trạng ô nhiễm không khí mới được cải thiện.