Chiều 20/1 bến xe Giáp Bát thường có lượng đông khách đổ về những ngày cận Tết, nhưng năm nay lượng khách không đông.
Hành khách đợi xe của một tuyến Hà Nội về Thanh Hoá.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, nhân viên điều hành tại bến xe Giáp Bát nói: "Vài năm trở lại đây lượng khách sụt giảm nhiều, bởi lượng khách đi xe Grab hay xe dù 7 chỗ có thể đón tận nơi"
Ghi nhận của PV tại các bến xe như Giáp Bát, Mỹ Đình và bến xe Nước Ngầm trong chiều 20/1, khách đến bến xe thưa thớt, sụt giảm rõ rệt so cùng thời điểm những năm trước. Một phụ xe tuyến Nam Định cho biết: "Vài ngày trở lại đây xe khách phải xuất bến mà trên xe chỉ có 1-2 khách".
Tại bến xe Nước Ngầm, lượng khách cuối giờ chiều 20/1 có vẻ đông hơn với những hành khách đi miền Trung và các tỉnh phía Nam. Dẫu vậy lượng khách ước tính cũng chỉ bằng 70% so với mọi năm.
Lượng khách ra vào bến Nước Ngầm đông hơn các bến xe khác.
Lượng khách ở bến xe Nước Ngầm chủ yếu đi về miền Trung và phía Nam.
Trong nhà chờ mua vé tại bến xe khách Mỹ Đình, hành khách ngồi đợi xe không đông như trước.
Tại bến xe Mỹ Đình, lượng khách ra vào nhỏ lẻ chủ yếu là những khách đi đường dài đến các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Sơn La, Yên Bái... Các hành khách cho biết, do vắng người nên việc mua vé rất dễ dàng hầu như không phải chờ đợi xếp hàng như mọi năm.
Nhiều người lựa chọn đi xe máy về quê thay vì đi ô tô.
Trái ngược với cảnh vắng vẻ tại các bến xe, giao thông tại các tuyến đường cửa ngõ Thủ đô như: Vành đai 3, Giải Phóng, khu vực cầu Chương Dương, Quốc lộ 31... lại luôn trong tình trạng "ùn tắc". Người dân di chuyển về quê bằng xe máy, ô tô cá nhân rất đông.
Tuyến đường Nguyễn Xiển và đường vành đai 3 trên cao ùn tắc dài hướng về Mai Dịch-Cầu Giấy.