Tình hình COVID-19 tại Campuchia đang diễn biến khó lường. Các tỉnh biên giới Tây Nam của Việt Nam đang căng mình ngăn chặn nhập cảnh trái phép và xây dựng kịch bản cho tình huống xấu nhất.
Theo Đại tá Nguyễn Thế Anh, Chỉ huy trưởng Bộ độ Biên phòng Kiên Giang, những người tổ chức xuất nhập cảnh trái phép hoạt động rất tinh vi, có sự liên kết giữa trong và ngoài biên giới. Họ sử dụng phương tiện trà trộn vào các tàu đánh bắt hải sản trên biển nên việc phát hiện, bắt giữ, xữ lý của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.
“Các đối tượng này nghiên cứu địa bàn rất kỹ, sử dụng phương tiện phù hợp từng địa bàn. Với địa bàn mà có vùng nước sâu thì dùng phương tiện lớn, những nơi không thuận lợi thì dùng võ lãi, ca nô để cơ động nhanh”, Đại tá Nguyễn Thế Anh nhận định.
Xác định siết chặt biên giới là vấn đề quan trọng hàng đầu trong công tác phòng chống dịch, dù là những hôm nắng đổ lửa, những đêm gió lạnh như cắt da cắt thịt hay trước những trận mưa kéo dài, lực lượng biên phòng vẫn kiên cường bám chắc địa bàn, túc trực 24/24 ngăn chặn người nhập cảnh trái phép qua biên giới.
Các lực lượng vừa túc trực 24/24 tại vị trí các chốt, vừa tổ chức tuần tra, kiểm soát dọc tuyến biên giới.
Trung tá Nguyễn Văn Tùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) cho biết, trong tổng số 48 chốt phòng chống dịch COVID-19 tại TP Hà Tiên, chỉ có 25 chốt được xây dựng tiền chế, còn lại là các chốt tạm.
“Nhà tiền chế thì đảm bảo an toàn nhưng nắng thì rất nóng. Các chốt dựng bằng lá dừa thì mùa nắng mát hơn nhưng mùa mưa thì dột và có nguy cơ sập đổ. Mùa mưa đến đường đi trơn trượt, có nơi ngập nước nên đường lầy lội đi lại khó khăn. Tuy nhiên, tinh thần của anh em cán bộ chiến sỹ quyết tâm rất cao để ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép”, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên cho biết.
Để giảm bớt gánh nặng cho lực lượng biên phòng, Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang huy động trên 100 chiến sĩ dân quân thường trực thuộc các huyện, thành phố tăng cường cho các chốt chống dịch.
Nhiều chiến sĩ dân quân tư vệ lần đầu làm nhiệm vụ trên biên giới cho biết, chính sự cảm thông với những vất của các chiến sĩ biên phòng khi phải cắm chốt xuyên suốt hơn một năm là động lực để họ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
“Các cán bộ, chiến sĩ dân quân phối hợp rất tốt với lực lượng tại chỗ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng như trong quá trình sinh hoạt nên tình đoàn kết, gắn bó giữa các lực lượng tại chốt chống dịch được thắt chặt hơn rất nhiều, góp phần để lực lượng biên phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Thiếu tá Đỗ Thanh Tùng, Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên nhận định.
Ngoài lực lượng tại địa phương thì lực lượng Biên phòng các tỉnh bạn như Đà Nẵng, Bình Đình cũng được điều động đễ hỗ trợ siết chặt biên giới Tây Nam.
Cùng với việc tuần tra kiểm soát, lực lượng biên phòng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho ngư dân đang đánh bắt trên vùng biển và người dân sống dọc tuyến biên giới về tình hình dịch bệnh, những thủ đoạn nhập cảnh trái phép.
Điều này giúp nâng cao tính cảnh giác cho người dân, khi phát hiện các tình huống nghi ngờ sẽ thông tin kịp thời cho lực lượng chức năng
“Khi phát hiện có người buôn lậu hay nghi vấn nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, người dân sẽ ngay lập tức gọi điện báo cho lực lượng biên phòng ngăn chặn, bắt giữ”, anh Chau Ải vừa chỉ tay về đường biên giới vừa nói.
Bên cạnh siết chặt biên giới, tỉnh Kiên Giang cũng lên kịch bản để ứng phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra như xây dựng bệnh viện dã chiến tại TP Hà Tiên, thành lập phòng hồi sức cấp cứu đặc biệt, trang bị kỹ thuật công nghệ cao với quy mô 10 giường tại Trung tâm Y tế TP Hà Tiên. Đồng thời, lên kế hoạch mở rộng thêm khu cách ly.