Gừng là loại thực vật có nguồn gốc châu Á, là phần thân rễ của cây. Gừng được sử dụng làm hương liệu thực phẩm và thuốc.
Đây là nguyên liệu được nhiều người yêu thích vì bổ sung hương vị đặc biệt cho các loại thức ăn, đồ uống. Gừng có thể dùng pha nước chấm, nước sốt, nấu các món kho nấu hay thêm vào các loại đồ uống, bánh quy.
Cho dù bạn sử dụng theo cách nào, gừng vẫn đem lại một số tác dụng nhất định:
Cải thiện tiêu hóa và giảm buồn nôn
Chuyên gia dinh dưỡng Amber Pankonin cho biết: “Gừng đã được chứng minh giúp cải thiện nhu động dạ dày. Điều đó đồng nghĩa thức ăn từ miệng được di chuyển suôn sẻ đến ruột già để bạn ít bị đầy hơi và chướng bụng”.
Dùng sản phẩm chứa gừng có khả năng làm giảm buồn nôn và nôn ở một số người khi mang thai. Nhưng tác dụng có thể chậm hơn so với thuốc.
Giảm viêm
Chuyên gia Pankonin chia sẻ: “Bổ sung gừng vào các món ăn chính, bánh, đồ uống sẽ hữu ích với những người bị đau khớp hoặc viêm khớp. Gừng chứa các chất gingerol và shogaol, có đặc tính chống viêm”.
Giảm đau bụng kinh
Ngoài việc giảm viêm, đã có một số nghiên cứu cho thấy gừng có hiệu quả trong việc giảm đau 3-4 ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt.
Tuy nhiên, bạn nên ăn gừng với mức độ vừa phải. Nếu ăn quá nhiều có thể gặp các tình trạng như:
Gây kích ứng miệng và cổ họng
Bạn đã bao giờ cảm thấy ngứa ran họng sau khi ăn dứa chưa? Bạn có thể gặp tác dụng tương tự khi ăn gừng. Tiến sĩ Linsenmeyer cho biết: “Các hợp chất mang lại lợi ích cho sức khỏe của gừng cũng có thể gây kích ứng niêm mạc miệng và cổ họng”.
Đau dạ dày
Tiến sĩ Linsemeyer cho biết: “Mặc dù các chất bổ sung từ gừng được coi là tương đối an toàn, nhưng liều lượng cao có thể gây ra các triệu chứng không mong muốn như đau dạ dày”.
Các tác dụng phụ bao gồm ợ chua, tiêu chảy, ợ hơi và khó chịu ở dạ dày. Dùng hơn 5g gừng mỗi ngày làm tăng nguy cơ mắc các biểu hiện trên.
Phẫu thuật
Gừng có thể làm chậm quá trình đông máu, gây chảy máu trong và sau khi phẫu thuật. Mọi người nên ngừng sử dụng gừng ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật theo lịch trình.