Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ai nguy cơ bị biến chứng nặng khi mắc bệnh đậu mùa khỉ?

(VTC News) -

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo lây nhiễm đậu mùa khỉ ở nhóm nguy cơ cao.

Theo BS Trương Hữu Khanh – Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm TP.HCM, đậu mùa khỉ xuất hiện ở châu Phi từ năm 1958. Đa phần bệnh nhân mắc bệnh tự ổn định, không cần can thiệp nhiều. Tuy nhiên, gần đây, WHO cảnh báo về nhóm người nguy cơ cao dễ bị bệnh đậu mùa khỉ như phụ nữ mang thai, trẻ em, người suy giảm miễn dịch.

Biến chứng của bệnh

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Thái - Trung tâm Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, Tổ chức Y tế thế giới, các cơ quan y tế đều cảnh báo đậu mùa khỉ vì nó gây tử vong. Chủng ở Tây Phi hiện đang gây bệnh ở châu Âu, Mỹ, Úc chưa ghi nhận, nhưng các báo cáo ở Trung Phi, Tây Phi cho thấy tỷ lệ tử vong là 3 đến 6%.

Không chỉ lây từ động vật sang người mà bệnh đậu mùa khỉ còn lây từ người sang người. Các trường hợp bệnh nhân diễn biến nặng khi mắc đậu mùa khỉ là người sẵn bệnh da từ trước như chàm, trẻ em dưới 8 tuổi, phụ nữ mang thai. Biến chứng này chủ yếu bội nhiễm vi khuẩn từ da, biến chứng vào phổi, vào hệ thần kinh trung ương, nhiễm trùng mắt gây mù loà.  

Đậu mùa khỉ đang lan nhanh trên thế giới.

Triệu chứng của đậu mùa khỉ gồm: Sốt, ớn lạnh, nổi các nốt mụn nước, phát ban, đặc biệt là sưng hạch bạch huyết… mọc bóng nước. Với người bị nặng dễ nổi nhiều bóng nước hơn, biến chứng viêm phổi. Bác sĩ Khanh cho biết bóng nước của đậu mùa khỉ khá đặc trưng.

Nhiều triệu chứng của virus có thể dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác, chẳng hạn bệnh thủy đậu, mụn rộp hoặc giang mai. Do đó việc người dân cần phải đến cơ sở y tế để xác nhận nhiễm bệnh là rất quan trọng.

Dấu hiệu đặc trưng của đậu mùa khỉ, theo CDC Hoa Kỳ là nổi bóng nước. Bóng nước trong đậu mùa khỉ rất dễ hóa mủ và kèm theo nổi hạch.

Đường lây của bệnh

Nghiên cứu mới nhất cho thấy, người tiếp xúc rất gần với bệnh nhân bị đậu mùa khỉ có nguy cơ lây bệnh. Khác với COVID-19, virus đậu mùa khỉ tồn tại ở giọt bắn lớn, không bay lơ lửng ở không khí. Ngoài ra, việc quan hệ tình dục cũng làm gia tăng nguy cơ mắc đậu mùa khỉ.

Virus lây đậu mùa khỉ ủ bệnh có thể lên tới 2, 3 tuần và khi nào người bệnh biểu hiện triệu chứng mới lây truyền cho người khác.

Hiện Việt Nam chưa có bệnh đậu mùa khỉ. Về vaccine đậu mùa khỉ, BS Khanh cho biết hiện vẫn là vaccine đậu mùa. Trong nhóm đậu mùa gồm đậu mùa người, đậu mùa khỉ và đậu mùa bò. Cả 3 virus này na ná nhau, cho nên ai đã chích vaccine đậu mùa người sẽ khó mắc bệnh.

Nhiều nghiên cứu khẳng định người đã tiêm phòng vaccine đậu mùa đạt 85% hiệu quả phòng chống lại bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, vaccine này chỉ chích cho người 18 tuổi trở lên và phụ nữ mang thai không có chỉ định tiêm ngừa vaccine này.

Để chẩn đoán được đậu mùa khỉ, BS Khanh cho biết phải thực hiện trong phòng xét nghiệm cao cấp, làm PCR. 

Ngọc Hà

Tin mới