Hôm 7/10, Hamas triển khai các tay súng bằng đường không, đường bộ và đường biển trong cuộc tấn công nhằm vào Israel. Israel sau đó phong tỏa dải Gaza, tập kích và mở chiến dịch cục bộ nhằm vào khu vực để đáp trả khiến xung đột leo thang, nguy cơ lan rộng ở Trung Đông.
Nhìn chung, phần lớn các nước liên quan, dính líu đến xung đột ở dải Gaza sẽ hứng chịu ảnh hướng ở mức độ nào đó, song cũng có không ít bên hưởng lợi từ tình hình căng thẳng hiện nay.
Giá dầu thế giới tăng
Cuộc chiến giữa lực lượng Hamas và Israel gây ra một trong những rủi ro địa chính trị đáng kể nhất đối với thị trường dầu mỏ kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào năm ngoái.
Trong khi giá dầu vẫn chưa bị ảnh hưởng, các nhà phân tích và quan sát thị trường chỉ ra hai tác động lớn nếu xung đột leo thang.
Đầu tiên, Mỹ có thể thắt chặt hoặc tăng cường thực thi các biện pháp trừng phạt đối với Iran nếu nước này dính líu đến hoạt động của Hamas.
Thứ hai, một thỏa thuận do Washington làm trung gian nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Ả Rập Xê-út và Israel, vốn có thể khiến vương quốc này tăng sản lượng dầu, có thể khiến giá dầu thay đổi.
Dầu thô Brent đã tăng khoảng 3,50 USD lên mức 89 USD/thùng trong phiên giao dịch đầu tiên sau khi Hamas phát động cuộc tấn công bất ngờ vào Israel hôm 7/10. Sau đó, giá dầu lại giảm cho đến khi Mỹ áp lệnh trừng phạt lên tàu chở dầu Nga, dựa trên mức giá trần do G7 áp đặt. Với động thái trên, giá dầu thế giới lại tiếp tục tăng lên mức 88 USD.
Các nhà phân tích và người trong ngành so sánh tình hình hiện nay với cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 - khi Ả Rập Xê-út tiên phong áp lệnh cấm vận nhắm vào các quốc gia đã hỗ trợ Israel trong Chiến tranh Yom Kippur, động thái khiến giá dầu tăng mạnh.
Cuộc xung đột giữa Israel và Hamas tác động không nhỏ tới thế giới. (Ảnh: Getty)
Cụ thể, cả Ả Rập Xê-út và Nga đã tuyên bố cắt giảm nguồn cung nhiên liệu tự nguyện cho đến cuối năm 2023, đẩy giá dầu lên mức cao nhất trong 10 tháng qua vào cuối tháng 9 /2023. Tuy nhiên sau đó, những lo ngại về kinh tế vĩ mô đã góp phần kiềm hãm và kéo mức giá dầu giảm mạnh.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế hồi đầu tháng 10 cho biết, xung đột Israel - Hamas không có tác động trực tiếp đến nguồn cung dầu. Tuy nhiên, ông David Goldwyn, cựu đặc phái viên về các vấn đề năng lượng quốc tế tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận xét các nguyên tắc cơ bản sẽ vẫn là động lực lớn đối với xu hướng giá dầu hiện nay. Dù vậy, khi xung đột kéo dài, vẫn có nguy cơ ảnh hưởng tới nguồn cung dầu của thế giới và những ông lớn xuất khẩu dầu vẫn có thể hưởng lợi từ vấn đề này
Nga gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông
Theo một số chuyên gia, xung đột tại dải Gaza góp phần chuyển hướng chú ý của phương Tây khỏi xung đột giữa Nga và Ukraine - động thái được xem là có lợi cho Moskva. Sự kiện diễn ra vào thời điểm tương đối thuận lợi cho Nga, đặc biệt khi công chúng phương Tây bắt đầu cảm thấy mệt mỏi với cuộc chiến kéo dài 19 tháng qua.
Các chuyên gia cũng cho rằng, khi xung đột Israel - Hamas kéo dài, dư luận sẽ bắt đầu đặt câu hỏi về quan hệ và sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine. Andrius Tursa, Central Cố vấn về thị trường Đông Âu tại công ty tư vấn rủi ro Teneo, chia sẻ: “Nếu giao tranh giữa Israel - Hamas kéo dài, sẽ xuất hiện những câu hỏi về khả năng Mỹ cung cấp sự hỗ trợ về mặt quân sự cho Ukraine và Israel”.
Ngay cả từ trước khi bạo lực nổ ra ở dải Gaza, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về sự ủng hộ “vô điều kiện” của Mỹ dành cho Ukraine, đặc biệt sau khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luận chi tiêu tạm thời để ngăn chính phủ đóng cửa, trong đó không bao gồm các khoản viện trợ mới cho Ukraine.
Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy sau đó có cuộc gặp với các đồng minh NATO tại Brussels (Bỉ). Tại đây, phương Tây tái khẳng định cam kết ủng hộ Ukraine.
Ngoài ra, Nga là một trong số ít quốc gia có quan hệ tốt với Israel và một số quốc gia ở Trung Đông như Syria. Do đó, Moskva có thể tận dụng những mối quan hệ này để đóng vai trò trung gian hòa giải, giúp Nga tăng cường vị thế tại Trung Đông. Điều này đặc biệt có lợi cho Nga sau khi nước này phải chịu những lời chỉ trích gay gắt từ phương Tây đối với chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Các chuyên gia cho rằng Nga có thể tận dụng cuộc xung đột Israel - Hamas để nâng cao tầm ảnh hưởng về mặt ngoại giao trong khu vực Trung Đông. (Ảnh: WSJ)
Samuel Ramani, chuyên gia phân tích chính trị tại Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nói với CNBC: “Nga có thể coi đây là cơ hội lớn để nâng tầm ảnh hưởng ngoại giao trong khu vực”.
“Nga đã hợp tác với Lebanon để ngăn xung đột lan rộng. Họ đã trao đổi với Iraq, Thủ tướng Iraq đến thăm Nga và 2 nhà lãnh đạo cũng đề cập tới sự hợp tác của OPEC +. Nga cũng hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ và với Ai Cập về lệnh ngừng bắn. Những điều này cho thấy Nga không bị cô lập ở Trung Đông và Nga vẫn duy trì các mối quan hệ đối tác ngoại giao như thời kỳ trước xung đột”, ông Ramani nói thêm.
Tuy nhiên, theo ông Ramani, nếu xung đột lan ra nhiều mặt trận khác như Syria, Iraq hoặc Lebanon, thì điều đó sẽ đem lại rắc rối cho Nga. Do đó, Moskva vẫn sẽ cần phải thận trọng, tránh để lún sâu vào cuộc xung đột.
Iran hưởng lợi về chiến lược
Đánh giá tình hình tại Trung Đông hiện nay, ông François Heisbourg, cố vấn đặc biệt tại Quỹ Nghiên cứu chiến lược, cho rằng Iran là nước hưởng lợi chiến lược. Cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Israel Eran Lerman cũng nhận định, Iran đã tận dụng cuộc xung đột Israel - Hamas để đánh lạc hướng thế giới khỏi các dự án hạt nhân và “nước này đã thành công”.
Mặt khác, Iran hiện vẫn có sức ảnh hưởng rất lớn ở Trung Đông. Bất chấp các biện pháp cấm vận kéo dài hàng thập kỷ của Mỹ, Iran vẫn xây dựng được lực lượng quân sự mạnh mẽ, sở hữu nhiều khí tài hiện đại tự sản xuất, giàu kinh nghiệm tác chiến.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cũng là bên huấn luyện và cung cấp vũ khí cho nhiều phe phái đối địch với Mỹ trong khu vực, trong đó có nhóm Houthi ở Yemen, Hezbollah ở Lebanon, Hamas và nhóm Hồi giáo Jihad ở dải Gaza.
Trong khi đó, theo Financial Times, đến thời điểm hiện tại, các sự kiện ở dải Gaza đã hiện thực hoá một số mục tiêu của Iran: Nâng vị thế của nước này với tư cách là nước đối thoại trong khu vực, ngăn chặn quá trình bình thường hoá quan hệ giữa Israel và Ả Rập Xê-út, điều vốn sẽ khiến Iran bị cô lập hơn nữa và làm suy yếu Israel.
Lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố cuộc xung đột là “thất bại không thể khắc phục” đối với Israel, đồng thời nhấn mạnh Israel “sẽ không thể dễ dàng phục hồi sau đòn đánh này”.
Mỹ bội thu?
Bên cạnh Nga và Iran, một số chuyên gia nghiên cứu cũng cho rằng Mỹ sẽ được hưởng lợi từ cuộc xung đột Israel - Hamas hiện nay, đặc biệt khi Mỹ là đồng minh thân thiết nhất và giành sự ủng hộ mạnh mẽ cho Israel trong khu vực.
Được biết, Mỹ cung cấp cho Israel hơn 3 tỷ USD viện trợ quân sự mỗi năm. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ có thể sớm hành động để tăng nguồn tài trợ. Trong khi đó, Israel đã yêu cầu Mỹ viện trợ khẩn cấp 10 tỷ USD hỗ trợ trong bối cảnh xung đột leo thang với Hamas.
Binh sĩ Israel chuẩn bị di chuyển xe tăng về phía Gaza. (Ảnh: New York Times)
Theo nhà phân tích François Heisbourg, Mỹ có thể tái khẳng định vai trò ưu việt của mình tại Trung Đông với sự ủng hộ này dành cho Israel. Qua đó, Mỹ tiếp tục tăng cường vị thế và ảnh hưởng, đặc biệt với các đồng minh phương Tây. Hiện có những thông tin cho rằng Washington đang thảo luận về các biện pháp hỗ trợ song song cả Israel và Ukraine trong thời điểm cả 2 cuộc xung đều đang diễn biến khó lường.
Bên cạnh đó, cuộc xung đột Israel - Hamas đã thúc đẩy thị trường vũ khí toàn cầu. Doanh số bán hàng tăng vọt mang lại cho chính quyền Tổng thống Joe Biden những cơ hội mới để thắt chặt hợp tác quốc phòng giữa Mỹ - nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, với các nước.
Cụ thể, Washington đang bắt đầu tiếp cận khách hàng mới như Ấn Độ và Indonesia, đồng thời bán nhiều hơn cho đồng minh và người mua hiện tại. Việc mua các hệ thống vũ khí do Mỹ sản xuất thường đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ với quân đội Mỹ về bảo trì, nâng cấp quan hệ song phương.
Chính quyền Tổng thống Biden cũng đang tận dụng nhu cầu vũ khí do Mỹ sản xuất từ các nước để thúc đẩy ảnh hưởng về mặt ngoại giao, đặc biệt là ở châu Á, nơi Washington đang nỗ lực củng cố các liên minh như một đối trọng trước sức mạnh ngày càng mở rộng của Trung Quốc.
Các thỏa thuận về thiết bị quân sự của Mỹ dưới thời chính quyền Biden cũng đã được thảo luận hoặc ký kết với Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Australia và Nhật Bản, thậm chí với một số quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương. Chỉ riêng Đài Loan (Trung Quốc), các đơn hàng vũ khí Mỹ còn lại hiện có trị giá lên tới 19 tỷ USD.
Tại Trung Đông, bên cạnh Israel, Mỹ cũng có quan hệ buôn bán vũ khí với Ả Rập Xê-út, khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Mỹ. Trong 2 năm qua, Ả Rập Xê-út đã đặt hàng mua thêm hàng tỷ USD khí tài, trong đó có cả đơn đặt hàng được đưa ra vào tháng trước về các bộ phận cần thiết để duy trì hoạt động của xe tăng và hệ thống vũ khí do Mỹ sản xuất.