AFF Cup 2020 vẫn "có giá"
Việc Thai League và Malaysia Super League dự định đá xuyên suốt hai tháng cuối năm, không nghỉ tránh giải vô địch Đông Nam Á có thể khiến hai đội tuyển quốc gia phải dự giải với đội hình phụ. Philippines, đội bóng có phần lớn trụ cột đang chơi ở Thai League trong khi nguồn cầu thủ trong nước rất hạn chế, cũng bị ảnh hưởng lớn.
Những động thái mới nhất của bóng đá Thái Lan và Malaysia làm dấy lên lo ngại rằng AFF Cup 2020 bị "mất giá". Cộng thêm việc đại dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn trên thế giới, sự lo lắng của người hâm mộ về việc giải đấu không diễn ra được như dự kiến.
VFF có thể phải đàm phán với Thai League và Muangthong United nếu muốn Đặng Văn Lâm được phép thi đấu ở AFF Cup 2020.
Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, kế hoạch tổ chức AFF Cup 2020 chưa bị ảnh hưởng vì đại dịch COVID-19. Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) sẽ tính toán phương án an toàn và hợp lý nhất, nhưng chưa có ý định hủy giải khi vẫn còn tới gần nửa năm để cân nhắc.
AFF, các liên đoàn thành viên và ban tổ chức các giải đấu sẽ tiếp tục thảo luận, đàm phán để tìm ra phương án tốt nhất, bảo đảm quyền lợi cho cầu thủ, câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia. Ở một khu vực vẫn được coi là "vùng trũng" như Đông Nam Á, AFF Cup vẫn là một giải đấu quan trọng cả về chuyên môn lẫn thương mại.
Đối với bóng đá Việt Nam, giải vô địch Đông Nam Á chưa bao giờ "mất giá". Đội tuyển Việt Nam tham dự AFF Cup 2020 với mục tiêu bảo vệ ngôi vương khu vực không chỉ có ý nghĩa về mặt chuyên môn mà còn xứng đáng được coi là niềm vui lớn, niềm tự hào của cả dân tộc.
"Khi đời sống của người dân trở lại bình thường, các hoạt động văn hóa, thể thao là rất cần thiết để tạo không khí lạc quan, tích cực", Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) Lê Khánh Hải chia sẻ cách đây hơn một tuần.
AFF Cup 2020 diễn ra vào dịp cuối năm có thể là cú hích quan trọng để tạo ra sự hưng phấn trở lại, góp phần giúp toàn xã hội bứt ra khỏi trạng thái ảm đạm do dư âm của đại dịch COVID-19. Những thành công từ năm 2018 cho thấy rằng bóng đá Việt Nam hoàn toàn có thể đảm đương trách nhiệm đó.
Bóng đá Việt Nam có tác động lớn đến xã hội trong hai năm qua.
Khán giả không lo thiếu AFF Cup 2020 trên truyền hình
Next Media, đơn vị sở hữu bản quyền AFF Cup 2018, cho biết mức giá chào bán bản quyền cho giải đấu năm nay tăng gấp 3-4 lần.
Tất nhiên, con số chi tiết khó có thể được xác nhận công khai ở thời điểm hiện tại, khi chưa có hợp đồng nào được công bố. Dù vậy, giá cả luôn được coi là vấn đề gây khó cho các nhà đài Việt Nam khi mua bản quyền các giải đấu trong những năm gần đây.
Mức giá mà đơn vị chào bán bản quyền có thể bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực. Việc các đơn vị truyền hình của Việt Nam khó nói chuyện tiền nong vào lúc này, khi mà thể thao thế giới đang trong trạng thái không thể nói trước được điều gì, cũng có thể là một nguyên nhân.
Người hâm mộ Việt Nam không lo thiếu AFF Cup 2020 trên sóng truyền hình.
Dù vậy theo nguồn tin của VTC News, có ít nhất một đơn vị ở Việt Nam đã có những bước tiến tích cực trong việc đàm phán mua bản quyền AFF Cup 2020.
Tất nhiên chưa có điều gì được công bố khi còn rất nhiều bất trắc về bối cảnh khi đại dịch COVID-19 vẫn hoành hành buộc các bên liên quan phải có những tính toán chắc chắn hơn về mặt quyền lợi.
Điều mà người hâm mộ Việt Nam có thể yên tâm là không có chuyện tất cả các công ty trong nước đều "lắc đầu chào thua" với AFF Cup 2020.
Khi mà cuộc chơi bản quyền truyền hình thể thao ở Việt Nam đã trở nên năng động hơn với một số đơn vị tham gia tích cực như hai năm trở lại đây, khán giả không lo thiếu đội tuyển Việt Nam trên sóng truyền hình nước nhà.