Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

71 tuổi và 35 năm “cuốn theo chiều gió”

Sau một tháng “đeo bám”, tôi mới gặp được người đàn ông được mệnh danh “gió thổi phương nào theo phương ấy chứ chẳng biết lúc nào ở nhà”…

 Gọi điện cho già Khuê, cứ ngỡ nhầm số. Giọng nói trẻ trung, vững chãi làm tôi liên tưởng đến một gã trai phiêu lãng hơn là một ông lão “thất thập cổ lai hy”. Gọi cho ông thì dễ nhưng hẹn được ông không đơn giản chút nào. Sau một tháng “đeo bám”, tôi mới gặp được người đàn ông được mệnh danh “gió thổi phương nào theo phương ấy chứ chẳng biết lúc nào ở nhà”…

“Chưa đến đèo đã sợ thì chỉ ở chân đèo”

Lúc tôi đến, ông đang lọ mọ đóng gói mấy bao tải quần áo để chuẩn bị cho chuyến phượt Lai Châu sắp tới. Mái tóc gần như bạc trắng nhưng dáng người khỏe khắn, áo phông quần bò năng động khiến cho ông vẫn trẻ hơn so với tuổi.  Thật khó tin, người đàn ông trước mặt tôi đã có hơn 35 năm rong ruổi với những chuyến đi phượt, len lỏi khắp ngõ ngách trên mọi nẻo đường.

 
Thấy tôi, ông dừng công việc, nở nụ cười rồi xách ấm trà với cái điếu cày, vẫy tôi đi theo ra vườn. Nào là bưởi bòng trĩu quả, dãy cây cảnh ngát hương hoa, nào là vườn rau ao cá với đàn vịt đang rỉa cánh… Xa xa, cuối góc vườn là ngôi nhà sàn đơn sơ theo kiến trúc của người Thái… Chúng tôi dừng chân ở giữa vườn, nơi có bộ bàn ghế bằng đá nằm dưới bóng cây im mát. Một không gian bình yên, thơ mộng mà có lẽ bất cứ ai ở cái tuổi xế chiều đều mong muốn. Vậy nên tôi cứ băn khoăn không hiểu sao ông lão đang ngồi trước mặt mình không chịu… ngoan ngoãn ở nhà.

Già Khuê “khởi động” bằng vài cuốc thuốc lào. Từng đám khói bay lên, mờ ảo, vương vấn, càng khiến cho nhân vật nổi tiếng trong Hội xe XHCN trở nên đẹp lão…

Ông nhớ lại chuyến đi dài ngày đầu tiên vào năm 1977, chuyến đi xuyên Việt với cuộc hành trình hơn 5.000 km từ Hà Nội vào đến mũi Cà Mau, trên một chiếc xe ba bánh. “Thời đó, đi xa vất vả hơn bây giờ nhiều. Trên xe phải chở thêm hàng chục lít xăng mới tự tin vượt đèo, vượt núi”.

 
Vất vả nhưng chinh phục được thì niềm vui còn gấp bội. Nửa cuộc đời gắn với những chuyến đi nhưng chưa có cung đường nào khiến già Khuê phải lo lắng, băn khoăn. Đã lên xe là đi dữ dội. Đi đến nỗi đám trẻ cũng phải dè chừng. Thế nhưng, thực sự trong lòng ông không một chút xao động, bình thản đến lạ lùng.

Chính thái độ điềm tĩnh đó đã khiến ông luôn tỉnh táo lúc trên đường. Ông bảo, đi phượt, nếu sợ hãi, hoài nghi về con đèo trước mặt thì sẽ nản chí ngay ở chân đèo và không bao giờ vượt qua được.

Còn nhớ chuyến đi hồi đầu tháng 9 vừa qua, ông cùng anh em trong Hội xe XHCN vượt con đèo Khau Lắc (Tuyên Quang) có độ dốc 26,5 %. Đến chân đèo, cả đoàn chần chừ dừng lại thì “bố” Khuê vẫn hùng dũng phi lên. Anh em đứng dưới í ới “Bố ơi, không lên được đâu!” còn ‘‘bố’’ thì vẫn lừ lừ tiến tới. Gặp chướng ngại vật, ông dừng lại dẹp đường rồi đi tiếp. Có lúc, bánh xe chỉ cách mép vực 10 phân nhưng không làm chủ nhân nó nao núng. Lên đến đỉnh đèo, ông rút điện thoại gọi xuống dưới: ‘‘Lên đi! Ta lên được thì các chú đương nhiên sẽ lên được’’. Một, hai người nổ máy dẫn đầu. Dần dần cả đoàn cùng lên, có người ngã, có người đổ xe, cháy côn, đứt xích. Mất cả buổi sáng, cuối cùng mọi ngừơi cũng gặp nhau trên đỉnh dốc, ôm nhau cười sung sướng: ‘‘À, hóa ra không khó như mình tưởng !’’.

 

Chuyến đi Mù Cang Chải mới đây cũng để lại cho ông nhiều kỷ niệm. Hôm đi, trời mưa tầm tã suốt từ Nghĩa

Lộ đến Mù Cang Chải. Chiếc xe ba càng Uran tải ba lao đi giữa trắng trời trắng đất, vượt qua con đèo Khau Phạ- được mệnh danh là một trong ‘‘tứ đại đỉnh đèo’’ hiểm trở với độ dài trên 30km. Do mưa lớn nên lúc quay về, đường bị sạt lở. Lớp bùn đất ngập lên nửa bánh xe. Máy ủi, máy kéo đang hì hục xúc đất san đường. ‘‘Bố Khuê’’ không một phút suy nghĩ, phi qua luôn, làm cánh ô tô đang đứng chờ bên đường hốt hoảng kêu lên ‘‘Ông ơi, chết đấy, không đi được đâu’’. Mặc kệ, con Uran vẫn lừ lừ nhích từng tí một, đoạn nào không đi được, ông nhảy xuống đẩy xe. Thế mà vượt qua vũng bùn lầy gần 100m trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Ông bảo ‘‘Đi thế mới thích!’’.

Già Khuê ưa cuộc sống tự do, phóng khoáng. Với ông, sống là khi cảm thụ đầy đủ ý nghĩa của cả niềm vui lẫn nỗi buồn, cả khổ đau lẫn sung sướng. Còn khi chỉ nhăm nhắm vào một mục đích nào đó, người ta sẽ quên sống. Vì thế, có lần nổi hứng, ông đi xe một mình theo đường mòn Hồ Chí Minh từ Hà Nội vào Thanh Hóa, đúng 9h đêm thì vào tới thành nhà Hồ. Dừng xe, leo lên ngắm trăng trên đỉnh thành và xuất khẩu thành thơ :

Đâu rồi một thời lừng lẫy

Dưới trăng chỉ còn hoang tàn

Cổng thành tha hồ gió thổi

Chẳng cần trình báo thông quan.

Nếu không thành cao hào sâu

Giá chẳng ngựa xe áo mũ

Để ngày nắng vàng rực rỡ

Để đêm trăng bạc thênh thang

Ông cười khề khà bảo với tôi: ‘‘Đấy, giá ngày xưa ông Hồ Quý Ly cũng đi phượt thì có phải sướng không !’’.

Mỗi tháng, ít nhất già Khuê cũng phải “tậu” cho được một chuyến đi. Có khi vừa kết thúc chuyến này, ngày hôm sau đã gia nhập chuyến khác. Có khi “em” 3 càng Java 360 chưa kịp rửa, chưa kịp đổ xăng lại tiếp tục lên đường. Đợt nào ở nhà thì ông ủ rượu mơ. Rượu chưa ủ xong đã có người dặn. Bán rượu có tiền đổ xăng, lại tiếp tục đi.

 
Anh em trong Hội xe XHCN vẫn thường ghen tỵ: ‘‘Nhất bố đấy! Mỗi lần bọn con muốn đi đều phải chật vật xin visa, chứ đâu có thoải mái như bố!’’. ‘‘Visa’’ ở đây được hiểu ngầm là ‘‘sự đồng ý của bà xã’’. Thật ra, hồi đầu mới đi, vợ con ông cũng can ngăn ghê lắm. Nhưng can kiểu gì ông cũng đi bằng được. Cực chẳng đã, cả nhà đành chấp nhận ‘‘sống chung với lũ’’, không quên ‘‘mặc cả’’ với ông: phải đi đến nơi về đến chốn, bảo vệ bản thân bình an vô sự’’. Người con cả hiện đang đi theo nghiệp cơ khí như ông, cũng là người ưa chủ nghĩa xê dịch giống bố nên phần nào thông cảm và là người hay đứng ra ‘‘bảo lãnh’’ cho bố nhất.

Giới xe ba càng ở Việt Nam không lạ lẫm gì ‘‘bố Khuê’’. Chuyến đi xa đầu tiên năm 1977 cũng là thời điểm ông bắt đầu mê mẩn những chiếc xe ba bánh. Trong mắt ông, khối sắt đồ sộ, kềnh càng ấy lại rất gọn gàng, duyên dáng. Ông yêu xe ba bánh vì sự linh họat nhưng vẫn an toàn. Không khó hiểu khi hiện tại, ông đã tậu được 5 chiếc xe ba càng: 2 cái Uran, 3 cái Java 360 và sắp tới có thể sẽ lắp tiếp một con xe nữa bằng động cơ ô tô.

Đi để thấy mình đang sống

Ngồi trong không gian hơn 3 nghìn mét vuông nhưng già Khuê vẫn thấy chật chội. Vẫn thèm cảm giác đứng trên cao. Để thấy lòng nhẹ đi, không vướng bận. Không gian bao la khởi động sự bao la trong lòng người. Cảm xúc tỏa ra không giới hạn. Không còn khái niệm về không gian và thời gian, chỉ còn sự hòa tan. Đó là lý do khiến ông rất thích chinh phục các đỉnh đèo. Và hầu như những đỉnh đèo cao nhất trong nước, ông đều đã đặt chân đến. Từ Hải Vân đến Phan-xi-păng, từ Khau Lắc, Thung Khe đến Khau Vai, Khau Phạ...

Nghịch lý là, suốt mấy chục năm rong ruổi đường trường, chưa có chuyến đi nào ông bị ốm. Nhưng cứ thời gian nào nghỉ ở nhà nhiều là cơ thể lại phản ứng, lại trục trặc. Thế nên, mỗi lần đi với ông như một lần được tiếp thêm năng lượng sống. Ông bảo, sức khỏe cũng là do tâm lý con người tạo nên. Cứ vui là sẽ khỏe. Gian nan, mưa gió không nghĩa lý gì. Như chuyến đi Huế gần đây nhất, trời đổ mưa tầm tã suốt từ Hà Tĩnh vào đến Huế, trên người ông không còn gì để ướt nhưng xe vẫn vút đi bình thường. Và tuyệt nhiên, không cảm cúm, ốm đau gì.

 
Có lẽ, khi mà cuộc đời là những chuyến đi, bốn bể là nhà, gió mưa làm bầu bạn thì người ta cũng phải học cách lắng nghe và thấu hiểu chính cơ thể của mình. Dân phượt đều xuýt xoa khen ông khỏe, chứ ít ai biết mắt già Khuê bị viễn nặng, dạ dày đau mãn tính và tim thì thỉnh thoảng bỏ nhịp mà không cần báo trước. Nhưng tất cả điều đó không cản trở những chuyến đi của ông.

Đi, với ông, là để hoàn thiện mình. Đi để phát hiện và lấp đầy những lỗ hổng. 

Thế nên, mới có chuyện hồi 50 tuổi, bỗng dưng cảm thấy mình thiếu thiếu cái gì đó, ông đã bỏ nhà đi biệt tích trong vòng 6 tháng. Không ai tìm ra, không ai liên hệ được và không ai nghĩ thời gian đó ông vào chùa ở ẩn. Hết 6 tháng lại về.

Mỗi chuyến đi đều mang về cho ông những trải nghiệm cuộc sống thú vị. Trên đường dừng chân, khi thì câu chuyện với anh hàng nước, với cô bán mít, khi thì chuyện với những người nông dân chất phác, hiền lành... Đôi khi chỉ ngồi được với nhau 5- 10 phút nhưng có những câu chuyện ám ảnh ông suốt cả chặng đường.

‘‘Phượt không phải là thứ giải sầu!’’

Rất nhiều hội phượt, hội chơi xe rủ rê già Khuê tham gia nhưng “bố” có vẻ hợp cạ với anh em Hội xe XHCN hơn cả. Tham gia hội từ những ngày đầu thành lập, ông xem các thành viên như người trong nhà. Ông quý hội ở cái tình. Không phân biệt thành phần xã hội, tuổi tác, giàu nghèo, địa vị… mọi người đến với nhau cũng không ràng buộc nhau bằng quy tắc hay nội quy nào, nhưng lại rất gắn bó, đoàn kết. Hội toàn nhữngngười trẻ nhưng chưa bao giờ “bố Khuê” cảm thấy có khoảng cách về tuổi tác. Tất cả đều bình đẳng. Anh em đi đâu, “bố” theo đấy, chẳng từ nguy hiểm hay vất vả gì. Mỗi lần trong đoàn đi có người hỏng xe là “bố” lại hăng hái xắn tay vào sửa cùng anh em.

 
Mọi người trong hội đều yêu quý và nể phục “bố Khuê” không chỉ vì tinh thần trẻ trung, phi tuổi tác mà còn ở thái độ sống, cách ứng xử mực thước. “Bố Khuê” là cách mọi người gọi để bày tỏ sự kính trọng chứ thực ra, đã từ lâu, anh chị em trong hội vẫn xem ông như một người bạn, một “chàng trai”, một thành viên không thể thiếu trong mọi chuyến đi. Vì thế, không khó hiểu khi ông luôn được bầu là trưởng đoàn. Biét “bố Khuê” dễ tính nên thi thoảng các “con” trong hội lại nhảy vào vò đầu bứt tóc, trêu đùa. Ông xem đó là chuyện thường tình, là cách bày tỏ tình cảm mến thương của lũ trẻ bây giờ.

Đã từng có 15 năm công tác ở Bộ Tư lệnh Công binh, từng chỉ huy một tiểu đoàn 400 lính với hơn 100 xe hành quân trong bom đạn, quân đội đã rèn cho ông tính kỷ luật, quyết đoàn và khả năng xử lý tình huống… Chính những kinh nghiệm đó đã giúp ông hoàn thành tốt vai trò trưởng đoàn của các chuyến đi

.


Nếu ‘‘giàu vì bạn’’ thì ông Khuê thực sự là người giàu có. Bạn bè của ông rải từ Bắc vào Nam. Thi thoảng, ông lại một mình phóng xe vào Sài Gòn chơi với mọi người. Hoặc không ít lần, anh em trong Nam lại kéo ra thăm ông, chuyện trò vui vẻ, rôm rả bàn bạc lên kế hoạch cho những chuyến đi mới. Ông chỉ tay về phuy dầu nhớt Mobil dựng ở góc nhà, loại dầu xịn nhất hiện nay, vừa mới được một người bạn mang đến tặng. Với ông, đó không chỉ là một món quà nữa, mà là cả tấm lòng.

Ông luôn nghĩ cuộc đời là những chuỗi cho và nhận. Bởi vậy, những chuyến đi cùng hội xe lên vùng cao làm từ thiện luôn để lại trong ông nhiều cảm xúc riêng biệt. Đó là sư yêu thương, cảm thông khi trao cho đồng bào vùng cao từng manh áo ấm. Đó còn là niềm hạnh phúc khi nhìn thấy nụ cười trẻ thơ đón nhận những món quà trung thu.

Bởi vậy, đi phượt với ông không chỉ để thỏa mãn chủ nghĩa xê dịch. Mà đi còn để chia sẻ, cảm thông, giúp đỡ. Chia sẻ không chỉ với bà con dân nghèo miền núi mà chia sẻ với chính những thành viên trong đoàn đi. Cùng nhau sửa xe, cùng chia nhau từng lít xăng, cùng ăn sương nằm gió giữa đại ngàn... để thấm thía hơn tình người, tình anh em.

Với ông, sống là để đi. Vì thế, với người đàn ông đã bước sang tuổi ‘‘thất thập cổ lai hy’’ này, những chuyến đi sẽ vẫn còn tiếp tục. Ông luôn xác định tư tưởng ‘‘ngã ở đâu, nằm ở đấy’’ và dặn dò anh em trong hội phượt: ‘‘Bố ngã ở đâu thì chúng mày kiếm mảnh đất có vị thế đẹp đẹp một chút rồi vùi bố xuống đó mà đi tiếp, không phải băn khoăn gì cả’’. Ông quan niệm, người lữ hành chân chính là người không cần biết đích đến là đâu và không quan tâm bao giờ sẽ kết thúc cuộc hành trình.

 Rít thêm một cuốc thuốc lào, già Khuê chậm rãi đọc lên hai câu thơ vốn được xem là slogan của dân phượt : ‘‘Cuộc đời là những chuyến đi/ Nếu không đi nữa là đi cuộc đời’’...

Thanh

­H

ư

ơng

Nguồn:

Tin mới