Chiều 29/7, UBND tỉnh Vĩnh Phúc họp phiên thường kỳ tháng 7/2024 để bàn, cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng.
Theo báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ và tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng năm 2024 của tỉnh, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song kinh tế - xã hội của Vĩnh Phúc đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện.
Nổi bật là Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 11,39% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 44.347 tỷ đồng, tăng 7,35% so với cùng kỳ năm 2023. Hoạt động thu hút đầu tư khởi sắc ngay từ những tháng đầu năm, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức như hiện nay.
Quang cảnh phiên họp.
Tính đến ngày 15/7, tỉnh Vĩnh Phúc cấp giấy phép đầu tư cho 52 dự án FDI, trong đó có 26 dự án mới, 26 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đăng ký trên 473 triệu USD, vượt 18,3% kế hoạch năm. Đến hết tháng 7/2024, ước giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 2.999,5 tỷ đồng, bằng 38,6% kế hoạch vốn Trung ương giao.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thông tin tuyên truyền tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh. Quốc phòng an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Cũng tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan báo cáo công tác quản lý Nhà nước tháng 7, nhiệm vụ tháng 8/2024; kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tháng 7/2024; kết quả thực hiện Kế hoạch số 54 của UBND tỉnh về xử lý vi phạm đất đai trên địa bàn tỉnh tháng 7/2024; kết quả thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh tháng 7/2024; tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công.
Sản xuất linh kiện điện tử tiếp tục giữ vai trò động lực quan trọng đối với nền kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc.
Phiên họp cũng bàn, cho ý kiến vào 23 tờ trình và 1 dự thảo chỉ thị theo luật định. Đồng thời, trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung của các tờ trình, dự thảo như: Tên gọi đơn vị sự nghiệp sau sáp nhập; mức thưởng “Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Vĩnh Phúc”…
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và Tỉnh ủy, quan tâm chỉ đạo, rà soát, đôn đốc, xử lý những tồn tại trong công tác quản lý Nhà nước các ngành, lĩnh vực, nhất là các chỉ tiêu đạt thấp để có giải pháp triển khai hiệu quả trong tháng 8.
Chỉ rõ những điểm nghẽn, tồn tại cần giải quyết, nhất là trong lĩnh vực đất đai, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Vũ Việt Văn giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế hỗ trợ về xử lý vi phạm đất đai để trình HĐND ban hành nghị quyết; các sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thành quy định trình tự, thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, giá đất; các lãnh đạo UBND cấp huyện chủ động sửa đổi những bất cập trong báo cáo tổng kết về quy định bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Về giải quyết các thủ tục hành chính, ông Vũ Việt Văn đề nghị các sở, ngành, UBND cấp huyện bố trí người trực tại Bộ phận một cửa theo quy định; không để ùn ứ việc tiếp nhận hồ sơ; chủ động rà soát, bố trí mua sắm trang thiết bị hỗ trợ cho Bộ phận một cửa; tăng cường kiểm tra việc giải quyết các thủ tục hành chính theo kế hoạch hoặc đột xuất, nhất là hồ sơ liên quan tới lĩnh vực đất đai.
Đối với Tờ trình và dự thảo nghị quyết hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học sinh học trong chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo sớm hoàn thiện hồ sơ để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh trong tháng 8/2024.