Ngày 9/6, tại buổi cung cấp thông tin về tình hình chống ngập trên địa bàn TP.HCM, ông Vũ Văn Điệp - Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) cho biết, 5 năm qua, TP.HCM đã chi hơn 25.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án chống ngập.
Số tiền này bao gồm cả vốn đầu tư công và nguồn vốn xã hội hóa thông qua huy động vốn theo hình thức PPP từ các nhà đầu tư.
“Nếu so với trước đây, công tác chống ngập đã đạt được hiệu quả đáng ghi nhận. Số điểm, thời gian và chiều sâu ngập giảm rất nhiều. Cụ thể, trước kia mỗi lần ngập thường kéo dài 4-6h. Đến nay, thời gian ngập được rút ngắn chỉ còn 15-40 phút sau mưa, chiều sâu ngập cũng chỉ duy trì 0,1-0,3m”, ông Điệp nói.
Hiện TP.HCM có 22 tuyến đường còn xảy ra ngập, trong đó đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) được xem là rốn ngập.
Theo ông Điệp, tính riêng trong 5 năm, thành phố đã giải quyết được 25/36 điểm ngập. Còn tính riêng từ 2008 tới nay đã giảm tới 104 điểm ngập.
Hiện thành phố có 22 tuyến đường còn xảy ra ngập gồm: Nguyễn Văn Khối, Quốc lộ 50, Đào Sư Tích, Lê Văn Lương, Hồ Học Lãm, song hành Quốc lộ 22, Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Hữu Cảnh, Điện Biên Phủ, Phzan Huy Ích, Ung Văn Khiêm, Quốc Hương, Phạm Văn Chiêu, Bình Lợi, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Tô Ngọc Vân, Kha Vạn Cân, Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Nguyễn Văn Quá. Trong đó có nhiều tuyến đường chỉ sau trận mưa lớn là ngập nặng.
Ông Điệp cho rằng, quá trình chống ngập tại thành phố gặp nhiều khó khăn do mạng lưới cống thoát nước đầu tư từ lâu, dẫn đến năng lực thiết kế của cống không đáp ứng được việc thoát nước sau mưa lớn. Ngoài ra, nhiều kênh rạch xung yếu bị người dân lấn chiếm nhưng tiến độ xử lý vi phạm còn chậm.
Đối với dự án 10.000 tỷ đồng để giải quyết ngập do triều cường tại thành phố, ông Điệp cho biết chủ đầu tư đã cam kết sẽ hoàn thành dự án này trong tháng 10/2020.