Một trong những điểm đặc biệt của các căn nhà ống, nhà phố đó là hạn chế về diện tích. Những căn nhà phố, nhà trong ngõ thường bị bịt kín bởi những căn nhà xung quanh, do đó việc tạo ra lối thoát hiểm thường khó khăn trong thiết kế nội thất. Đối với những ngôi nhà nhỏ, nhà ống, gia chủ thường chỉ chú trọng đến việc làm thế nào để tận dụng tối đa diện tích sống, do vậy thường bỏ qua việc thiết kế các lối thoát hiểm trong nhà.
Do vậy, các vụ cháy xảy ra ở nhà phố thường bị thiệt hại nhiều về người và của. Hơn nữa, những ngôi nhà trong ngõ hẻm, nhà phố, việc lắp đặt các hệ thống báo cháy và giải thoát thường khó khăn hơn tại các khu chung cư. Bên cạnh đó, tính thẩm mỹ và đồng bộ trong thiết kế nhà cũng là một trở ngại khiến cho kiến trúc sư và gia chủ thường bỏ qua việc thiết kế lối thoát hiểm trong nhà.
Tuy nhiên, những gợi ý về thiết kế lối thoát hiểm dưới đây sẽ giúp bạn có thêm những ý tưởng trong việc thiết kế ngôi nhà của mình sao cho vẫn đảm bảo được tính thẩm mỹ, tiện lợi và an toàn.
Nhà nên có ban công
Đây là lối thoát hiểm hữu hiệu và có tính thẩm mỹ giúp che nắng mưa. Nếu nhà cháy, các thành viên có thể mở cửa và ra ngoài kêu cứu.
Ban công là lối thoát hiểm hữu hiệu trong lúc chờ cứu hộ.
Ban công không chỉ khiến cho căn nhà đẹp đẽ, thông thoáng hơn mà còn góp phần chắn nắng, che mưa và là chỗ thoát thân khi có sự cố. Trong trường hợp cháy, khói ngạt thì khu vực này cũng là nơi để duy trì sự sống trong lúc chờ cứu hộ. Trong trường hợp ban công không sử dụng lan can mà quây lam, lưới… thì nên có ô cửa mở bằng bản lề, có khoá để có thể mở khi cần thiết.
Nhà nên có sân thượng và giếng trời
Sân thượng là một khoảng trống lớn, thoáng giúp thoát hiểm hữu hiệu tương tự như ban công. Với những nhà có nhiều hơn 1 mặt thoáng nên bố trí cửa thoát hiểm ở phía sau hoặc bên hông nhà phòng khi không thoát được ra cửa chính thì thoát ra cửa phụ.
Giếng trời không chỉ có tính thẩm mỹ, giúp cho căn nhà thông thoáng, nhiều ánh sáng mà còn có tác dụng thoát hiểm.
Trong một số trường hợp, người bị nạn chạy lên sân thượng có thể thoát hiểm bằng cách trèo sang nhà hàng xóm kế bên nếu địa hình thuận lợi.
Bên cạnh đó, giếng trời trong nhà phố giúp thông thoáng và thoát khói thẳng lên trên khi sự cố hoả hoạn xảy ra, giảm quẩn khói trong nhà gây ngạt.
Bố trí lối thoát hiểm trong nhà
Bố trí mỗi tầng có ít nhất 2 lối thoát hiểm, một lối ra cầu thang hoặc lên xuống và 1 lối thoát ra cửa sổ hoặc ban công. Nếu có điều kiện, gia chủ có thể chuẩn bị thang kỹ thuật từ sân thượng hoặc khu vực nào đó lên mái. Đây cũng là lối thoát hiểm quan trọng.
Video: Nhà ống cao tầng kiên cố - Cháy thì chạy đâu?
Nên làm cửa có cánh đóng mở
Các loại cửa sắt kéo, cửa nhôm cuốn không thuận lợi cho việc thoát hiểm. Các loại cửa trong nhà như cửa phòng, cửa mở ra ban công, sân thượng nên sử dụng hệ chốt khoá đơn giản, dễ vận hành; nên sử dụng khoá bằng các loại chốt hãm, không dùng chìa.
Trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy trong nhà
Trang bị bình chữa cháy, bình CO2, bình phun bọt. Thường xuyên kiểm tra các vị trí cửa nếu thoát hiểm. Lắp đặt hệ thống báo cháy nếu có điều kiện. Việc xây dựng một kịch bản thoát hiểm cũng là điều cần thiết để đảm bảo tính mạng con người.